Chủ tịch Hà Nội: Chuyên gia đánh giá dự án buýt nhanh BRT hiệu quả
(Dân trí) - “Các chuyên giá đánh giá tuyến xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội là một trong những dự án có hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói nhưng với lưu ý không mang ý tranh luận lại cử tri.
Chiều ngày 8/10, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, tổ đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 1, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giải đáp một số vấn đề liên quan đến hiệu quả của xe buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa và việc quy hoạch, xây dựng nhà cao tầng trong các quận nội thành.
Liên quan đến hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh, ông Chung cho biết, từ khi đi vào hoạt động, đến nay đạt 52% so với yêu cầu. Theo ông Chung, các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá, tuyến BRT ở Hà Nội là một trong những dự án có hiệu quả. “Đó là ý kiến của ngân hàng thế giới, chứ tôi không nói mang ý tranh luận lại các cử tri”, ông Chung nói.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, để nâng tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt nhanh, thì cần phải kết nối hiệu quả với các tuyến xe buýt khác và kết nối với đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hà Nội cũng đang tìm các giải nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BRT.
Nhà cao tầng được xây đúng theo quy hoạch
Xung quanh vấn đề quy hoạch, xây dựng nhà cao tầng, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tháng 5/2016, TP đã ban hành quy chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô lịch sử. Căn cứ vào quy chế này, tất cả các tuyến đường đều quy định rất rõ chiều cao, mật độ công trình.
Trong những năm qua, TP Hà Nội cũng tập trung vào việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Trong đó có việc sắp xếp lại đội ngũ thanh tra xây dựng, tỉ lệ cấp phép xây dựng tăng lên 98,6%. Vì vậy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm xuống.
Ông Chung cho biết, TP phát triển nhà cao tầng đúng theo quy hoạch, đúng theo định hướng, đáp ứng nhu cầu dân số ngày một đông. Cụ thể, dân số của Hà Nội tính trong 10 năm qua tăng thêm 1,4 triệu người (từ 6,2 triệu lên 7,6 triệu người), bình quân mỗi năm tăng 140.000 người.
“Xu hướng tất yếu là chúng ta phải đưa chiều cao công trình lên. Tuy nhiên, chúng ta xây dựng nhà cao tầng cũng phải đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Nhưng nguồn lực chúng ta còn hạn chế nên chưa đáp ứng được so với tốc độ phát triển phương tiện giao thông quá nhanh”, ông Chung cho hay.
Tại đây, ông Chung cũng so sánh sự phát triển nhà cao tầng ở Singapore để cử tri thấy rõ thêm vấn đề của Hà Nội. Cụ thể, Singapore chỉ rộng khoảng 700 km2 (Hà Nội 3.358 km2), nhưng có tới 6.400 tòa nhà cao từ 20 tầng trở lên. Trong chuyến thăm Singapore vừa qua, ông Chung được biết, đất nước này đưa ra chính sách đập đi toàn bộ tòa nhà từ 20 tầng trở xuống.
Ông Chung cũng có biết, Singapore cũng khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật, lãi suất cho các công ty, tập đoàn xây nhà cao tầng hoặc xây nhiều tầng hầm. “Đó là xu hướng chúng tôi nghĩ thời gian tới TP sẽ nghiên cứu làm sao cho phù hợp”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói thêm.
Quang Phong