1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ nhân tàu ngầm mini Trường Sa 1 sẽ đích thân lái thử nghiệm

(Dân trí) - “Ngay sau khi xây dựng xong bể thử nghiệm tàu ngầm vào tháng 11 tới, đích thân tôi sẽ trực tiếp lái tàu ngầm Trường Sa 1", ông Nguyễn Quốc Hòa - chủ nhân của tàu ngầm mini đang gây xôn xao dư luận cho biết.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết, những ngày vừa qua, ông cảm thấy áp lực khi nhận được quá nhiều ý kiến, quan tâm của dư luận về việc chế tạo tàu ngầm mini. Mỗi ngày cơ sở kinh doanh của ông đón tiếp rất nhiều đoàn khách, chuyên gia từ nhiều nơi tới tìm hiểu về chiếc tàu ngầm mà ông đang chế tạo. Trước các ý kiến trái chiều của nhiều chuyên gia, ông Hòa khẳng định sẽ trực tiếp lái con tàu thử nghiệm vào tháng 11 tới để đưa ra câu trả lời cuối cùng.

“Nhiều người đang thổi phồng công nghệ chế tạo tàu ngầm”

Trước nhiều tranh cãi nảy lửa về công nghệ sử dụng trong việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1, ông Hòa cho rằng, dư luận đang cố tình hiểu sai khái niệm giữa một bên là thiết kế tàu ngầm thử nghiệm với việc chế tạo một con tàu ngầm hoàn chỉnh.
 
“Tàu ngầm Trường Sa 1 hoàn toàn là một con tàu thử nghiệm. Cái quan trọng nhất là nghiên cứu động cơ nổ của con tàu khi sử dụng công nghệ AIP. Nếu chúng ta thử nghiệm thành công, làm chủ được công nghệ rồi thì việc thiết kế con tàu thành hình vuông, hình tròn hay hình tam giác đều không phải là vấn đề quan trọng nữa. Chính vì thế về hình dáng, màu sơn, mối hàn của con tàu lần này chưa được tốt. Mặt khác, tàu ngầm Trường Sa 1 được tôi ấp ủ trong một thời gian dài, từng số liệu, thông số được tôi cùng các cộng sự tính toán tỉ mỉ, tham khảo nhiều tài liệu về việc chế tạo tàu ngầm của nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga... chứ không phải là một chiêu trò gây sốc như dư luận đánh giá..." - ông Hòa diễn giải.

T
Tàu ngầm mini Trường Sa 1 ông Nguyễn Quốc Hòa đang chế tạo

Đối với những băn khoăn, lo ngại của nhiều chuyên gia về mức độ an toàn, tính khả thi của con tàu khi chạy thử nghiệm, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa 1 cho rằng điều đó là dễ thông cảm. Ông Hòa khằng định, nhiều vị giáo sư đang cố tình “thổi phồng” và làm phức tạp hóa công nghệ này lên. Theo lời ông Hòa, bản chất của công nghệ AIP không đến nỗi cao siêu và hoàn toàn có thể "nắm được trong lòng bàn tay".

Ông Hòa quả quyết: “Các tài liệu, công trình nghiên cứu về công nghệ này đã được công bố công khai trên toàn thế giới. Có thể các thầy kiến thức quá cao siêu nên nhìn đâu cũng thấy phức tạp. Các vị giáo sư cho rằng tàu ngầm mini của tôi là một món đồ chơi thì phải xem việc thử nghiệm có thành công không đã, vì từ thứ đồ chơi này đến đồ thật cũng chỉ cách nhau một bước ngắn thôi. Nếu nói lý thuyết thì ai cũng có thể nói được thậm chí nói rất tốt, nhưng đó chỉ là lý thuyết suông. Nếu có thể, các vị giáo sư hãy cho tôi xin một bản vẽ cụ thể, thiết kế cụ thể, tôi sẽ làm tốt hơn...”.

Ông Hòa cũng lý giải, tàu ngầm mini mà ông đang chế tạo phù hợp với đất nước có bờ biển dài và rộng như Việt Nam. “Tôi không ngạc nhiên khi các chuyên gia của Nga đoán được ý đồ của tôi, họ thậm chí còn nói rõ là dự án của tôi áp dụng công nghệ từng áp dụng trong đề án tàu ngầm 615 của Nga trước đây. Với hình dáng, kích thước của con tàu này thì nó phải hoạt động với động cơ và công nghệ ấy. Tôi ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam có đến 5 trung tâm nghiên cứu công nghệ AIP mà vẫn chưa ứng dụng được trong thực tế. Điều này làm tôi phải cẩn trọng trong việc chế tạo tàu ngầm của mình, nhưng cũng là động lực để tôi nghiên cứu, thử nghiệm tàu thành công".

Trả lời về nghi ngại sẽ sử dụng "AIP trong nước" như tuyên bố trước đó, ông Hòa vẫn tin tưởng con tàu của mình chắc chắn sẽ thành công. Ông Hòa cũng thẳng thắn nhìn nhận, bể thử nghiệm đang xây dựng cho tàu ngầm hoạt động không thể thử nghiệm được tất cả các hạng mục của con tàu. Ở đây, ông chỉ kiểm tra những trạng thái tĩnh, ví dụ như sự sống bên trong của con tàu khi tàu bị ngập nước. Con tàu có bị rò rỉ áp suất hay rò rỉ dầu không? Hệ thống tái tạo oxy trong môi trường đó hoạt động như thế nào? Rồi tiếp đến là thử nghiệm sự nổi lên lặn xuống của con tàu. Sức đẩy của nước trong bể thử nghiệm tuy không giống như ở ngoài biển nhưng nó cũng có nguyên lý tác động giống như thế.

Còn về những mối hàn trong các bức ảnh được công bố, chủ nhân tàu ngầm mini giải thích, đó chỉ là những mối hàn tạm trước, hàn định vị. Trong quá trình hoàn thiện ông sẽ phải hàn chắc chắn và xử lý kỹ lại. Trong cuộc thử nghiệm, nếu máy nổ của tàu ngầm mini này vẫn hoạt động tốt trong vòng từ 1 đến 10 tiếng khi bị nước nhấn chìm, ông Hòa cho rằng như thế là con tàu thành công.

Cũng theo ông Hòa, điều duy nhất con tàu còn thiếu hiện giờ là kỹ thuật định vị sóng âm bằng thiết bị sonar. Thiết bị này cũng giống như đôi mắt của con tàu, có nó thì mới biết tàu đang ở đâu, trước sau thế nào. Ông bày tỏ hi vọng các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là kỹ sư trẻ giúp nghiên cứu, chế tạo thiết bị này. Chắc chắn khi con tàu thử nghiệm ra biển, sẽ không mang hình dáng đơn giản như hiện tại.

Sẽ giám sát chặt nếu tàu mang ra thử nghiệm

Đánh giá về tính khả thi, mức độ an toàn của con tàu, ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Thái Bình cho rằng, việc một doanh nhân bỏ tiền túi ra để nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm là việc làm rất đáng trân trọng, hoan nghênh.

Tuy nhiên ông Dũng cũng phân tích: “Chế tạo tàu ngầm là công nghệ quốc gia và ngay cả các nhà khoa học cũng đang còn nhiều lúng túng. Ngay cả Sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình cũng chưa bao giờ có những công trình nghiên cứu, thử nghiệm tương tự. Với những thông số kỹ thuật của con tàu cũng như đội ngũ thiết kế, sản xuất mà báo chí thông tin, tôi không tin là mô hình này thành công. Chưa chắc họ đã mang ra thử nghiệm, mà có khi họ chỉ muốn gây chú ý mà thôi".

Ông Dũng cũng chỉ rõ, việc sản xuất, chế tạo tàu ngầm này chỉ là ý tưởng của một doanh nghiệp, chưa rõ mục đích sử dụng nên Sở Khoa Học – Công Nghệ Thái Bình chưa có sự can thiệp. Nếu họ đưa ra sản xuất hàng loạt thì cần phải có sự đánh giá, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước xem công nghệ có phù hợp hay không, việc sản xuất có thuộc phạm vi hàng cấm hay không? Sắp tới nếu con tàu này tiến hành thử nghiệm ở sông hoặc biển, chúng tôi chắc chắn sẽ cử người tới kiểm tra, giám sát”.

Ông Dũng cũng cho biết sẽ báo cáo Bộ Khoa học – Công nghệ để kết hợp cùng sở Khoa Học – Công nghệ Thái Bình đưa ra những đánh giá chính xác trong thời gian tới.
 
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia hàng đầu về động cơ thủy khí đang công tác tại Viện Cơ khí Động lực - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Việc một cá nhân chế tạo tàu ngầm là rất đáng hoan nghêng nhưng làm gì cũng phải dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn tránh đầu tư tiền bạc, công sức mà lãng phí. Mặt khác cũng đừng hoang tưởng quá mức dẫn đến thổi phồng khả năng của thiết bị chế tạo nhằm đánh bóng tên tuổi bản thân, công ty. Bản thân tôi đã từng tham gia các dự án chế tạo tàu ngầm nên những thông số kỹ thuật mà ông Hòa cung cấp đều không có cơ sở, vượt xa với thực tiễn ở Việt Nam, nếu không nói là hoang tưởng! Công nghệ AIP mà ông Hòa tuyên bố sử dụng cho tàu ngầm của mình hiện nay ở Việt Nam mới chỉ đang được nghiên cứu chứ chưa có đủ trình độ để áp dụng vào thực tế.

Trước câu hỏi về các dự án chế tạo tàu ngầm ở Việt Nam, vị giáo sư này khẳng định: "Các nhà khoa học, chuyên gia đầu nghành vẫn đang phối hợp, thử nghiệm và chế tạo tàu ngầm. Làm một chiếc tàu ngầm rất phức tạp bởi còn phụ thuộc vào các thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng, thị trường tiêu thụ chứ không đơn thuần là để thỏa mãn sở thích, thú chơi cá nhân…”.

Hà Trang