1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chống ùn tắc: “Nói ít thôi, phải tập trung vào làm!”

(Dân trí) - “Văn bản, Nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch quá nhiều rồi. Nói ít thôi, giờ phải tập trung vào làm” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định.

Tại Hội nghị Triển khai công tác trật tự an toàn giao thông quốc gia năm 2012 hôm qua (28/11), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nêu lên những bất cập và những việc cần làm ngay để giải quyết vấn đề giao thông tại Thủ đô.
 
Về đề án hạn chế phương tiện cá nhân, theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, tuy nhiên phải có cách để giảm thiểu loại phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô.
 
“Trong giờ cao điểm, xe máy có thể luồn lách để thoát khỏi ùn tắc, nhiều khi còn tự điều chỉnh được. Nhưng ô tô thì đã ùn tắc thì dứt khoát không thể di chuyển được, mà ô tô con là đối tượng chiếm dụng nhiều đường nhất trong giờ cao điểm và gây ùn tắc, vì vậy bằng mọi cách phải hạn chế, Hà Nội đang trình Hội đồng Nhân dân thành phố về việc này.” - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kiên quyết.
 
Chống ùn tắc: “Nói ít thôi, phải tập trung vào làm!” - 1

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội: "Nói ít thôi, phải tập trung vào làm"

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, cùng với việc học hỏi nước ngoài thì cách để hạn chế ô tô là đánh vào kinh tế, tăng phí trước bạ đăng ký, nếu Chính phủ cho phép thì tăng lên mức 20 triệu đồng/lần đăng ký/xe, tăng càng cao thì càng hạn chế được loại phương tiện này.

Tổ chức giao thông Hà Nội đang thực hiện như phân làn trên các tuyến phố chính, cấm dừng đỗ tại những tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, dẹp các điểm chiếm dụng lòng đường vỉa hè để trông giữ xe.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng lưu ý tới việc cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng các điểm dừng đỗ xe động - tĩnh phù hợp, đúng quy hoạch. Thực hiện việc điều chỉnh giờ với từng nhóm đối tượng; xây dựng 1 số tuyến phố hạn chế phương tiện; tăng cường đầu tư phương tiện, hệ thống hướng dẫn, sắp xếp giao thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà nguyên nhân là dừng, đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường. Nâng cao năng lực, phương tiện cho lực lượng cảnh sát giao thông thi hành công vụ…

Di dời trụ sở của các Bộ ngành Trung ương và trường học ra khỏi nội thành là một trong những việc cần thiết góp phần giải tỏa giao thông, giảm áp lực giao thông tại những khu vực trọng điểm. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo lo ngại vì những khu đất vàng này có nguy cơ bị “biến” thành các trung tâm thương mại, khu chung cư cao tầng làm tăng mật độ dân cư trong nội thành.

“Thực tế là chưa có Bộ, ngành nào di dời trụ sở và chuyển đất cho Hà Nội để xây dựng không gian công cộng, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông công cộng mà toàn chuyển giao cho đơn vị khác sở hữu để xây dựng nhà cao tầng, căn hộ cao cấp để bán. Rõ ràng chúng ta đang nỗ lực giãn dân cư, hạn chế phương tiện để chống ùn tắc trong nội đô, rút mật độ dân cư tại cơ quan công sở từ 8-10 tiếng đồng hộ thì giờ cơ quan công sở chuyển giao xây dựng nhà ở thì mật độ này tăng lên 24/24 giờ. Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn vì việc này” - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ rõ.
 
Rút gọn lại mọi vấn đề cần làm ngay lúc này là tập trung cao độ và quyết liệt vào việc điều hành. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo dứt khoát: “Chủ trương, văn bản, Nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch rất nhiều rồi. Nói ít thôi, phải tập trung vào làm. Nói cái gì phải làm cái đó, nói làm 7 cái cầu vượt là phải làm ngay 7 cầu vượt chứ không phải cứ ngồi bàn mãi chuyện sẽ làm hủy hoại thành phố, cảnh quan đô thị, văn hiến nghìn năm, càng nhiều ý kiến càng rối. Bằng mọi giải pháp, Hà Nội chắc chắn phải giảm được ùn tắc giao thông”.
 
Chống ùn tắc: “Nói ít thôi, phải tập trung vào làm!” - 2
"Bằng mọi cách Hà Nội phải giảm được ùn tắc"

Cuối cùng Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kiến nghị với Chính phủ về việc di dời trụ sở các cơ quan công sở, trường học để chuyển đất xây dựng hạ tầng công cộng, chính sách nhập cư, đề án hạn chế xe cá nhân, điều chỉnh giờ học giờ làm…

Về những kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị yêu cầu thư ký ghi lại đầy đủ để Chính phủ xem xét.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc tăng lệ phí phương tiện cá nhân đã được Quốc hội lắng nghe và ghi vào Nghị quyết, Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý để Bộ GTVT phối hợp với các địa phương sớm trình chủ trương này.

“Ở nước ngoài họ mua xe phải nộp lệ phí thì rất cao, còn ở nước ta cơ sở hạ tầng giao thông không có nhưng việc mua xe lại quá dễ dàng, một người có thể mua tới 4 cái ô tô trong khi phí môi trường không có, phí bãi đậu không có… Hà Nội thời gian vừa qua đã có những kinh nghiệm cụ thể, đề nghị Hà Nội tiếp tục làm” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
 

Liên quan đến việc giãn mật độ dân cư nội thành, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ khó khăn trong việc này. Theo ông Tín, muốn kéo giãn dân cư phải làm đường vành đai, xây dựng đô thị vệ tinh nhưng thực hiện lại rất khó.

Thực tế ở TP.HCM, khi xây được đô thị vệ tinh thì chủ yếu người nhập cư về ở trong đô thị đó. Với mong muốn giảm mật độ dân cư, giao thông trong nội ô, ông Nguyễn Hữu Tín đề nghị Chính phủ hỗ trợ việc di dời các trường đại học, bệnh viện, cảng biển ở TP.HCM.

 
Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm