1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không thể trả lời bao giờ hết ùn tắc giao thông”

(Dân trí) - Dù bày tỏ sự ngưỡng mộ, đánh giá cao tinh thần “hành động ngay” của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhưng các đại biểu cũng không “nhẹ tay” khi liên tục truy những vấn đề gai góc nhất. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Thăng cho rằng, không thể nói khi nào hết ùn tắc.

Mỗi năm giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông 
 
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ sự ngưỡng mộ với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ở khía cạnh “dám nghĩ, dám làm”, đồng thời ông xoáy ngay vào các vấn đề đang nóng là tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông với câu hỏi về những giải pháp đột phá. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đặt ra câu hỏi tương tự.
 
“Không thể trả lời bao giờ hết ùn tắc giao thông” - 1

Ùn tắc giao thông đang là vấn đề nhức nhối
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng ví việc mình đăng đàn mở đầu phiên chất vấn cũng giống như người đi thi đầu tiên nên còn... những bối rối. Từ đó, ông mong đại biểu, cử tri chia sẻ, thông cảm... Theo Bộ trưởng, ông mới đảm nhận cương vị tư lệnh ngành 3 tháng, nhưng đã làm việc với tinh thần hành động ngay.

Sau khi trình bày tổng thể các vấn đề của giao thông, ông thừa nhận, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối và không thể chờ đồng bộ các giải pháp mới thực hiện mà phải thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Theo Bộ trưởng Thăng, giải pháp đổi giờ làm giờ học đang được triển khai không phải là giải pháp chắp vá, manh múm. Cùng đó, ông đề cập hàng loạt giải pháp như giải phóng lòng đường vỉa hè, giảm phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng thì ùn tắc giảm, xây cầu vượt nhẹ, tăng phí…

Ông Thăng cũng cho rằng, nếu chúng ta thực hiện triệt để các chỉ đạo trước đây thì sẽ không có việc nhiều nhà cao tầng mọc lên trong thành phố như vậy, không thể có nhiều lòng đường vỉa hè bị chia cho các đơn vị dẫn đến bị lấn chiếm như hiện nay.

Trả lời của Bộ trưởng Thăng không làm đại biểu Nguyễn Bá Thuyền hài lòng. “Bộ trưởng cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được. Đề nghị có giải pháp đột phá gắn với thời gian cụ thể để cử tri giám sát. Bộ trưởng cần cho biết, mấy năm giảm được ùn tắc, tai nạn giao thông?”, ông Thuyền thẳng thắn.

Bộ trưởng Thăng cho rằng, thời điểm này phải hành động ngay, chứ không chỉ là giải pháp này, giải pháp kia, bởi mỗi ngày đang có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông mà mới nhất là vụ xe tải lao xuống suối xảy ra ngày hôm qua làm 6 người chết.
 
Theo Bộ trưởng, tất cả các ngành các cấp, toàn dân phải hành động và Bộ là cơ quan đề xuất giải pháp, chắp nối thực hiện. “Chúng ta phải quyết tâm làm còn bao giờ hết ùn tắc thì tôi không trả lời được. Nhưng mục tiêu là giảm tai nạn giao thông 5 - 10% mỗi năm, giảm dần ùn tắc ở các thành phố lớn”, ông Thăng nói.
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại nhận xét, các giải pháp Bộ trưởng GTVT đưa ra gần đây mới chỉ là biện pháp mang tính lâu dài. Còn biện pháp “cấp cứu”, theo ông Đương là phải xóa ngay những điểm đen tai nạn. “Không phải tuyến đường nào cũng là cung đường tử thần. Không phải phương tiện nào cũng là hung thần. Khi đang cháy nhà cần đạp cửa xông vào cứu người trước rồi mới tính việc cứu tài sản sau. Bộ trưởng có dám cam kết 2012-2013 xóa bỏ các điểm đen gây tai nạn, tập trung vào các loại phương tiện xe tải, xe khách, xe máy?” – ông Đương quả quyết, biện pháp này có thể giảm ngay 20% số tai nạn thay vì chỉ 5-10% như mục tiêu của Bộ GTVT.
 
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cũng lập luận, Bộ trưởng GTVT đã thừa nhận tai nạn, ùn tắc giao thông hiện là quốc nạn và “trông đợi” nhiều vào giải pháp gỡ tắc là xe buýt. Nhưng xe buýt tại Hà Nội, TPHCM với năng lực hiện tại, có gánh nổi trọng trách, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Ông Út yêu cầu Bộ trưởng Thăng trình phương án cụ thể phát triển loại hình vận tải công cộng này.
 
Người được hỏi đáp ngay, việc phát triển xe buýt, Bộ đã có đề án đến 2020. Hiện xe buýt tại Hà Nội mới đáp ứng 7% nhu cầu vận chuyển khách, xe buýt tại TPHCM khá hơn, đáp ứng được 10% -15%. Ông Thăng hứa, 10 năm tới, nâng năng lực vận tải của xe buýt Hà Nội lên 15%, TPHCM lên 25-30%. Khi có cả tàu điện ngầm, tàu trên cao, sẽ nâng tổng mức vận tải công cộng lên 30%.
 
“Trảm tướng” để… làm gương
 
Chuyển sang nhóm vấn đề giải pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư các dự án, công trình giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lấy ví dụ, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng, là cái bẫy gây nhiều tai nạn. Bà Khá hoan nghênh việc Bộ trưởng Thăng và quyết định “trảm tướng”, tạm đình chỉ công tác GĐ điều hành dự án ô tô cao tốc TPHCM.

Bà Khá hỏi quan điểm của Bộ trưởng về việc Ban an toàn giao thông tỉnh Long An đề nghị xử lý hình sự chủ đầu tư dự án đường cao tốc này vì để đường hư hỏng nặng. Đại biểu tỏ ý mong muốn Bộ trưởng Giao thông tiếp tục chỉ đạo xử “đến đầu đến đũa”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận tình trạng xuống cấp nhanh chóng đường cao tốc Trung Lương. Ồng Thắng thú thực từ đầu nhiệm kỳ chưa đến hiện trường. Sau khi có thông tin trên báo chí, sáng chủ nhật vừa rồi (20/11), ông Thăng đã vào tận nơi đúng và “mục sở thị” chất lượng công trình không đảm bảo trên nhiều đoạn, đặc biệt đoạn qua địa phận tỉnh Long An.
 
“Không thể trả lời bao giờ hết ùn tắc giao thông” - 2
“Chúng ta phải quyết tâm làm còn bao giờ hết ùn tắc thì tôi không trả lời được” (Ảnh: Việt Hưng)

“Đường Trung Lương chất lượng kém, chúng tôi xác định nguyên nhân chính là do năng lực Ban quản lý yếu kém, tinh thần thực thi, trách nhiệm không cao, tư vấn giám sát cũng kém. Tôi có giải pháp đưa ra ngay lúc đó là yêu cầu đình chỉ GĐ Ban điều hành để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, bố trí GĐ mới cũng như yêu cầu các nhà thầu đã thi công đảm bảo trách nhiệm khắc phục thiếu sót. Kinh phí khắc phục các nhà thầu phải chịu” – Bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết chất lượng con đường sắp tới sẽ được cải thiện. Nếu tình hình không khả quan, ông Thăng cam kết sẽ buộc nhà thầu thực hiện trách nhiệm bảo hành đến cùng.

Ông Thăng chia sẻ thêm, việc xử mạnh tay để không chỉ cao tốc Sài Gòn – Trung Lương mà các công trình khác, các đơn vị thi công khác nhìn đấy mà… làm gương.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) khái quát, việc đầu tư công trình GTVT “làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh, đùn đẩy và hậu quả người dân gánh”. Hậu quả, theo ông Tâm, không chỉ là tai nạn mà còn vì thất thoát lớn, khi công trình phải sửa chữa, nhà nước coi như mất tiền 2 lần.
 
Bộ trưởng GTVT đáp lại, thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy triển khai những dự án có chất lượng, nhanh hơn. Giải pháp cốt yếu là lựa chọn Ban quản lý dự án có chất lượng, nhà thầu đảm bảo năng lực thi công, năng lực tài chính, tư vấn giám sát tốt. Ông Thăng cũng nhấn mạnh yêu cầu công khai minh bạch trong quá trình triển khai dự án.

Biện pháp xử lý mạnh tay như “trảm tướng”, quyết định thay thế kịp thời những Ban quản lý, tư vấn giám sát, thiết kế, nhà thầu không đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ công trình tốt hơn.

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, cử tri bức xúc với chất lượng đường, cứ bàn giao xong lại có vấn đề, trong khi đường Cu Ba giúp xây dựng, bàn giao từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay vẫn còn khá tốt. “Chất lượng đường kém là do kỹ thuật hay do thất thoát?”, bà An “vặn”. Chưa hết, bà An đề nghị cho biết về tuổi thọ của đường tương ứng với các mức tiền đầu tư.

Đáp lại, Bộ trưởng Thăng cho rằng, chất lượng công trình liên quan đến nhiều yếu tố như chuẩn bị dự án, tổ chức giám sát, tổ chức thi công…, đồng thời thừa nhận có chuyện thất thoát, có bán thầu.

Ông Thăng cho biết, ngành giao thông lấy năm 2011 là năm chất lượng công trình, nhưng chất lượng công trình chưa được như mong muốn... Về dự báo tuổi thọ công trình, Bộ trưởng Thăng cho rằng… chưa thể. Sở dĩ như vậy vì theo ông, tuổi thọ công trình phụ thuộc chất lượng, thời tiết, lưu lượng phương tiện vận tải…

“Tôi chia sẻ, thông cảm với Bộ trưởng, nhưng chưa hài lòng. Các dự án làm đường thất thoát bao nhiêu phần trăm, vì sao có bán thầu? Các nước làm dự án đều có tiêu chí chất lượng, dự báo tuổi thọ, chứ Bộ trưởng không thể trả lời không thể dự báo. Có phải vì thế mà cao tốc Tp HCM - Trung Lương vừa làm đã xuống cấp, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng vậy.”, bà An truy tiếp.

Ông Thăng lý giải, có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng đường chưa tốt, trong đó không loại trừ thất thoát cũng như công nghệ trong thi công. Để giải quyết, ông nhắc lại một số giải pháp đã đề cập.

Liên quan vấn đề bán thầu, theo ông Thăng, có một số nhà tài trợ không cho DN ngành GTVT tham gia, dù đó là những đơn vị mạnh nhất, trong khi một số các công ty con, công ty cổ phần năng lực yếu nhưng theo yêu cầu của nhà tài trợ lại trúng thầu. “Chúng tôi đã báo cáo, đề nghị sửa đổi quy định luật đấu thầu để chất lượng công trình được đảm bảo”, ông Thăng cho hay.

Về tuổi thọ công trình, ông Thăng cho rằng, từ nhiều năm qua ngành chưa có quy định và tới đây sẽ có đề xuất để có quy định phù hợp. 
 
Cấn Cường - Phương Thảo