1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân

Một trong những nguyên nhân của tình trạng tham nhũng hiện nay là hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, ông Quách Lê Thanh, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật phòng chống tham nhũng, nhấn mạnh chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.

Tình hình tham nhũng ngày càng trở nên bức xúc trong xã hội có phải do pháp luật của nước chưa đủ "mạnh"? Dự án Luật phòng, chống tham nhũng trình Quốc hội lần này có những quy định mới và "mạnh" hơn Pháp lệnh chống tham nhũng như thế nào để ngăn chặn "quốc nạn" tham nhũng hiện nay?

Tình hình tham nhũng diễn ra rất phức tạp ở nhiều lĩnh vực và có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, thể hiện ở tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát lớn, số đối tượng vi phạm, trong đó có nhiều cán bộ, công chức, thậm chí có cả một số cán bộ chủ chốt tham gia.

Đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đã đánh giá: Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng diễn ra trong bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ.

Đây là sự biểu hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh với các hành vi tham nhũng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả xã hội của tệ nạn này.

Pháp lệnh chống tham nhũng được ban hành năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2000) là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Tuy nhiên sau 7 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Dự án phòng, chống tham nhũng trình Quốc hội xem xét lần này đã có nhiều quy định mới so với Pháp lệnh chống tham nhũng, đặc biệt là các quy định về phòng ngừa.

Nước ta đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, trong đó Công ước đề cập đến việc thành lập cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng ở mỗi quốc gia; như vậy dự án Luật phòng, chống tham nhũng có quy định vấn đề này không?

Năm 2003, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và đang trong quá trình chuẩn bị cho việc phê chuẩn Công ước này.

Tại Điều 6 và Điều 36, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải có một hoặc một số cơ quan, lực lượng chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Dự thảo Luật không quy định thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng mà quy định thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Chỉ đạo cấp Trung ương giúp Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo và phối hợp công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nhằm phối kết hợp và phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương gồm các thành viên của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, một số ban của Đảng và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hành vi tham nhũng quy định trong Pháp lệnh chống tham nhũng đều liên quan đến lĩnh vực kinh tế; vậy trong các lĩnh vực khác như việc đề bạt cán bộ do vụ lợi cá nhân có phải là hành vi tham nhũng không ? Trong dự án Luật phòng, chống tham nhũng có những quy định gì về vấn đề này?

Hành vi tham nhũng thường xuyên xảy ra trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý tiền và tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay tham nhũng cũng phát sinh ở rất nhiều lĩnh vực khác, trong đó có công tác quản lý cán bộ. Nếu người có chức vụ, quyền hạn vì động cơ vụ lợi cá nhân mà tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trái pháp luật thì cũng bị coi là tham nhũng.

Về phòng, chống tham nhũng trong công tác quản lý cán bộ, Dự án Luật có một số quy định như sau: Việc quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ, công chức, người lao động phải được công khai trong cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Bản kê khai tài sản phải được công khai trong cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác, làm việc khi người đó được đề bạt, bầu cử, phê chuẩn.

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm