Chơi “hàng khủng” với Amply đèn tự ráp
(Dân trí) - Những ngày trước Tết Nguyên đán, tại quán cà phê Râu Audiophile (20 Nguyễn Tri Phương, TP Huế) đã diễn ra Festival “Amply đèn tự ráp”, quy tụ nhiều dàn amply đèn cổ tự chế vô cùng độc đáo và ấn tượng.
Trong không gian quán cà phê nhỏ ấm cúng, sau khi một amply được bật nút “on”, những điệu nhạc bỗng cất lên đầy ấn tượng với tiếng trầm, bổng rất “chuẩn mực”. Dàn amply vỏ gỗ, trên có nhiều đèn tỏa ánh sáng vàng dịu chính là “nhạc trưởng” điều khiển âm thanh đi đúng quỹ đạo. Người chơi sành điệu gọi đó là amply đèn.
Anh Trần Quốc Thắng bên chiếc 6C4C với linh kiện toàn từ Nga
Nghề của đam mê “thứ thiệt”
Anh Trần Quốc Thắng, người chơi cựu trào amly đèn đã 30 năm cho chạy thử nghiệm chiếc 6C4C. Anh cho biết, tất cả linh kiện bên trong đều của Liên Xô cũ. Qua hàng tháng trời tìm ở hàng đồng nát, đi lục lọi trong những cửa hàng linh kiện điện tử lâu đời cùng chia sẻ qua mạng với bạn bè, anh đã ráp được một bộ như ý.
Cùng thi tài là chiếc Single End của anh Bùi Bỉnh Bảo Anh. Chất lượng âm thanh được khuếch đại tín hiệu qua 6 chiếc đèn lớn lấy từ máy bộ đàm quân sự Mỹ cho tiếng y như thật. Tuy được lắp từ các phụ tùng mua lại nhưng giá không hề rẻ, chiếc biến áp xuất âm - bộ phận quan trọng nhất amply đèn - đã gần 5 triệu; chưa kể đến cắp gỗ do chính tay anh bào.
“Mình làm vì đam mê, cứ cuối tuần là bỏ hết việc, tập trung với chiếc amply yêu nên mất gần nửa năm mới xong. Tối nào, 2 vợ chồng trước khi ngủ cũng nghe qua “con cưng” một lát”, anh Anh tâm sự.
Nhiều tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra khi làm amply. Anh Bảo Anh có lần bị giật điện tê điếng người với nguồn điện 650W. Nhiều amply với công suất 1.000W theo các thành viên, có thể làm người chơi đi viện như bỡn.
Vì cấu tạo chủ yếu từ đèn nên… nổ đèn cũng là tai nạn hay gặp. Do đèn sưu tầm từ các thiết bị cũ tháo ra, nên chất lượng không phải lúc nào cũng đảm bảo.
“Hàng khủng” làm nên amply đèn
Sử dụng 2 chiếc đèn cỡ lớn nhất được lấy ra từ rada cao tần chuyên dùng trong các vệ tinh, bộ amply “Sumo” của anh Nguyễn Thìn phát ra ánh sáng mạnh như bóng đèn vàng dùng trong nhà. Công suất lớn 1.000 volte đã đánh âm thanh mạnh phù hợp với những khúc giao hưởng dồn dập. Do còn dư điện nên đã làm đèn phát sáng rực rỡ. Anh Thìn cho biết, tim đèn được làm bằng sợi kim loại đặc biệt. Riêng vỏ đèn cấu tạo từ thủy tinh chịu lực cao cấp, có xuất xứ từ các kho quân sự trên thế giới.
Ấn tượng nhất trong đêm diễn là chiếc amply “Xe tăng” - theo cách gọi của người chơi. Tên chính xác là GU50 PSE, 4 chiếc đèn nằm trong modul phát sóng của tăng chiến đấu. Ngoài có vỏ bọc kim loại nên đèn được bảo vệ rất chắc chắn. “Có thể chạy trên xe tăng và phát amply này cho các pháo thủ nghe”, chủ nhân Phạm Văn Thịnh cười tếu nói.
Ngoài ra, có nhiều đèn được trưng bày có gốc tích từ máy bay chiến đấu MIC (Nga), Ô tô xưa và các chủng loại quân sự…
Theo nhiều kinh nghiệm được trao đổi trong 2 ngày đầy tiếng nhạc cỡ lớn tại Festival, cái thú của làm amply đèn là có thể chủ động dùng đồ rẻ để giảm giá thành nhưng không mất đi độ hay. Nếu “khùng” hơn, có thể đầu tư trang thiết bị để làm ra sản phẩm có giá cao hơn giá hãng, tất nhiên âm thanh sẽ hay hơn nhiều lần.
Amply đèn do tỏa nhiệt nhờ đèn lắp nên giữ được sự ổn định so với các loại amply khác. Âm thanh cũng thật hơn. Điều rất đặc biệt, tất cả amply đèn đều không có chế độ điều khiển âm trầm (bass) và thanh (treble) nhưng vẫn cho âm thanh đầy đủ các âm vực.
Quán cà phê Râu Audiophile do anh Nguyễn Sơn Hải, giảng viên Khoa Luật ĐH Huế làm chủ. Là thành viên của HAG, anh Hải đang sở hữu trên 1.000CD gốc từ nước ngoài, hàng trăm băng cối LD và đĩa LD cùng hàng chục đĩa than quý hiếm. Ngoài ra, còn có 2 loa khủng của Mỹ cao trên 1m để phát tiếng nhạc được đảm bảo nhất. Lý do mở quán theo anh Hải là “vì đã đi nghe rất nhiều quán café ở Huế - hầu hết nhạc mở đều không đúng chuẩn âm thanh. Về nhà suy nghĩ phải có một địa điểm để thưởng thức nhạc “xịn”, và là nơi để anh em đam mê chia sẻ kiến thức về âm thanh”. |
Đại Dương