Chở thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ bị xử phạt thế nào?
(Dân trí) - Bộ Công an vừa trả lời thắc mắc của người dân về mức xử phạt đối với hành vi vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.
Theo Bộ Công an, trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trong nội bộ tỉnh, thành phố không cần Giấy phép kiểm dịch động vật đi kèm lô hàng. Tuy nhiên cần lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, đồng thời khai báo với cán bộ thú y cơ sở (cấp huyện) đúng số lượng, cân nặng lô hàng động vật trước khi vận chuyển và thực hiện việc đóng dấu kiểm soát giết mổ (KSGM) lên thân thịt gia súc, gia cầm hoặc dán tem vệ sinh thú y, đánh dấu bao bì đã kiểm tra vệ sinh thú y.
Trường hợp trốn tránh kiểm tra thú y, không thực hiện việc đóng dấu KSGM lên thân thịt gia súc, gia cầm hoặc dán tem vệ sinh thú y, đánh dấu bao bì đã kiểm tra vệ sinh thú y sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 90/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Cụ thể, phạt tiền từ 60 - 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn tỉnh, thành phố thì bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do cơ quan thú y cấp tỉnh nơi xuất phát lô hàng cấp và thực hiện việc đóng dấu KSGM lên thân thịt gia súc, gia cầm hoặc dán tem vệ sinh thú y, đánh dấu bao bì đã kiểm tra vệ sinh thú y.
Nếu trốn tránh kiểm tra thú y, không thực hiện việc đóng dấu KSGM lên thân thịt gia súc, gia cầm hoặc dán tem vệ sinh thú y, đánh dấu bao bì đã kiểm tra vệ sinh thú y, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính đối với lô hàng theo Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 90/2017, còn bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, căn cứ theo Khoản 3, Điều 17 Nghị định số 90/2017.
Xử phạt bổ sung buộc kiểm dịch lại động vật, sản phẩm động vật; buộc tiêu hủy trong trường hợp kiểm dịch lại phát hiện động vật mắc bệnh hoặc sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.
Thế Kha