1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chợ Bến Thành - chứng tích trăm tuổi giữa Sài Gòn

(Dân trí) - Chợ Bến Thành, một biểu tượng của TPHCM vừa tròn 100 tuổi, đây là mốc lịch sử để người dân Sài Gòn và du khách ôn lại hành trình trăm năm của ngôi chợ này.

Theo sử sách, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.

Khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và xuống cấp. Người Pháp lựa chọn địa điểm mới để xây cất một khu chợ lớn hơn, đáp ứng nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển. Vị trí đó gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), chính là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.

Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Panoramio)
Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Panoramio)
 
Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Panoramio)
Tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho phía sau chợ Bến Thành, đã ngừng hoạt động vào năm 1958 (Ảnh tư liệu tại chợ)

Khu vực xây chợ vốn là một cái ao sình lầy cũ được lấp đi. Khuôn viên chợ quy hoạch 4 mặt bởi 4 con đường (nay là đường Lê Lợi, Phan Bội Châu, Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh) xung quanh là bến xe ngựa, bến xe đò và ga xe lửa, rất thuận tiện cho việc giao thương.

Lễ khánh thành chợ 100 năm trước được diễn ra trong 3 ngày 28-29-30 tháng 3/1914 với hơn 100.000 người tham dự nên được báo chí thời đó gọi là “Tân Vương Hội”.

Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Panoramio)
Từ khi thành lập đến nay, chợ có nhiều tên gọi khác nhau như chợ cũ, chợ mới Bến Thành, chợ mới Sài Gòn và hiện nay là chợ Bến Thành
 
Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Panoramio)
Trên các cửa chính có các bức phù điêu thể hiện các nông sản được bán trong chợ như: trái cây, thịt gia súc, gia cầm, hải sản…
 
 
Clip: Thăm chợ Bến Thành 100 tuổi

Chợ Bến Thành ngày nay trở thành trung tâm thương mại và giao lưu văn hóa của TPHCM. Chợ có diện tích 13.056m² với 4 cửa chính là Đông, Tây, Nam, Bắc và 12 cửa phụ xen kẽ xung quanh. Các sạp trong chợ kinh doanh nhiều mặt hàng, từ quần áo, vải sợi, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống... Đặc biệt, nơi đây tập trung nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đây cũng là ngành hàng có nhiều sạp được truyền nối qua nhiều đời.

Bà Trần Thị Nhục (65 tuổi) thường gọi là “dì Ba Minh”, kinh doanh các mặt hàng gia dụng cho biết: “Tôi theo má đi chợ Bến Thành từ năm 15 tuổi. Hồi đó tôi bán trái cây đem từ nhà ở Hóc Môn, theo xe đò lên đây bán. Ngoài xe đò thì mọi người còn đi chợ bằng xe ngựa, xe xích lô, xe lửa…

So với hồi đó, bây giờ chợ sầm uất hơn, hàng hóa phong phú hơn. Các sạp hàng cũng được chia nhỏ hơn để nhiều người cùng bán. Sang năm là tròn 50 năm tôi bán hàng ở đây rồi đó. Thấy chợ ngày càng phát triển, đổi mới, tôi mừng lắm”.

Ban đêm, chợ Bến Thành là một địa chỉ ẩm thực thú vị với nhiều món ăn hấp dẫn, độc đáo
Ban đêm, chợ Bến Thành là một địa chỉ ẩm thực thú vị với nhiều món ăn hấp dẫn, độc đáo

Đa số khách đến với chợ Bến Thành là người nước ngoài đến mua quà lưu niệm hoặc thưởng thức món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam. Tờ USA Today từng xếp hạng chợ đứng thứ 15 trong tổng số 45 ngôi chợ có ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới. Cuối tháng 1/2012, chợ được Tạp chí ẩm thực Food and Wine chọn là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.

Giữa tháng 5 năm nay, chợ Bến Thành chính thức ra mắt website nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, thông tin các mặt hàng, gian hàng tại chợ, giúp khách hàng tra cứu thông tin, giá cả sản phẩm chính xác và nhanh nhất. Website cũng giúp khách hàng có thể mua bán trực tuyến và hỗ trợ công tác quản lý trật tự kinh doanh tại chợ.

Hồng Nhung - Lê Bình