1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Chính thức khánh thành cảng Tân Cảng – Hiệp Phước

(Dân trí) - Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước với mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, có tổng lượng sản lượng hàng hóa qua cảng mỗi năm đạt 9 triệu tấn. Ngoài việc “chia lửa” cho cảng Cát Lái, cảng Tân Cảng – Hiệp Phước sẽ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngày 19/5, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã chính thức khánh thành cảng Tân Cảng – Hiệp Phước nằm ở khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Chính thức khánh thành cảng Tân Cảng – Hiệp Phước
Chính thức khánh thành cả hai giai đoạn cảng Tân Cảng – Hiệp Phước, với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng

Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước có diện tích gần 19ha, có 420m cầu tàu tiếp nhận tàu 50.000 tấn đầy tải và tàu 70.000 tấn hạ tải; cùng với 253m bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 tấn. Ngoài ra, với bãi chứa hàng rộng 17ha, 5 xe nâng hàng, 34 xe đầu kéo và nhiều thiết bị khác, Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước có tổng sản lượng hàng quy đổi thông qua gần 9 triệu tấn /năm.

Phát biểu tại lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá việc đưa cảng Tân Cảng –  Hiệp Phước vào sử dụng, khai thác cả 2 giai đoạn trong thời gian ngắn, đều vượt kế hoạch đề ra thể hiện tầm nhìn, tiềm lực của một doanh nghiệp hàng đầu của quân đội trong thực hiện 2 nhiệm vụ vừa đảm bảo an ninh quốc phòng và làm kinh tế hiệu quả. Cảng Tân Cảng –  Hiệp Phước được coi là “bến nối dài” của Cảng Tân Cảng Cát Lái và là điểm kết nối hàng hóa quan trọng tại TPHCM và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng lưu ý sau khi đưa vào khai thác cảng Tân Cảng – Hiệp Phước, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cần chú trọng phân bổ hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các cảng cho hợp lý bởi hiện nay cảng Cát Lái có dấu hiệu ùn tắc.

Hiện nay cảng Cát Lái thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ hàng hóa, cũng như ùn tắc giao thông cửa ngõ ra vào cảng, bởi một lượng hàng hóa quá lớn qua cảng. Đến 85% hàng hóa ở TPHCM phải thông qua cảng Cát Lái. Trong khi đó năm 2014, gần một nửa lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước thông qua cảng này.

Cảng Tân Cảng – Hiệp
Phước là “bến nối dài”, đồng thời góp phần “chia lửa” cho cảng Cát Lái
Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước là “bến nối dài”, đồng thời góp phần “chia lửa” cho cảng Cát Lái

Vừa qua, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đề nghị và được chính quyền TPHCM nhất trí về chủ trương cho đầu tư 5.000m cầu tàu, 300ha bãi chứa hàng, xây dựng cảng container và cảng tổng hợp tại khu công nghiệp Hiệp Phước. Dự kiến từ năm 2020, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ triển khai đầu tư mở rộng cảng phù hợp với tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng của TPHCM ở khu vực này.

Với vị trí chiến lược nằm ở giao điểm giữa vùng phía Nam của Thành phố và Biển Đông, kết nối với đường vành đai mới và hàng loạt khu công nghiệp, Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước sẽ là nơi tập trung hàng hóa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các khu công nghiệp ở phía Nam của TPHCM.

Được biết, hệ thống sông Soài Rạp là luồng tàu biển rộng nhất và ngắn nhất từ biển Đông vào hệ thống cảng của TPHCM. Luồng tàu này góp phần củng cố mục tiêu chiến lược “Tiến ra Biển Đông” của TPHCM. Theo quy hoạch, nằm dọc theo sông Soài Rạp sẽ có 4 cảng biển gồm: Cảng container quốc tế SPTC, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng – Hiệp Phước và Cảng quốc tế Long An.

Quốc Anh