Chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã
(Dân trí) - Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập huyện, xã.
Cử tri Đà Nẵng phản ánh, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 sẽ có một bộ phận cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách bị dôi dư và cho thôi việc.
Do đó, cử tri kiến nghị nghiên cứu, ban hành chính sách hợp lý, thỏa đáng đối với cán bộ, công chức còn trong độ tuổi lao động (độ tuổi 50 và đã có thời gian công tác lâu dài tại địa phương). Thậm chí, giới thiệu, bố trí cho họ công việc hợp lý tại một trong các cơ quan trên địa bàn để tiếp tục có việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống gia đình.
Trong văn bản vừa gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng để trả lời cử tri, Bộ Nội vụ cho biết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư đã được Nghị quyết 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định (Điều 12).
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 33/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Nghị định số 29/2023 quy định về tinh giản biên chế.
Ban Tổ chức Trung ương đã có Văn bản số 26-HD/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Theo đó, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, hướng dẫn của trung ương, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư ở cấp huyện và cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 35/2023.
Về đôn đốc tiến độ thực hiện sắp xếp, sáp nhập huyện, xã, Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp giai đoạn 2023-2025, trong đó phải khẩn trương tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn.
Bộ Nội vụ cho biết, mốc thời gian cụ thể để kịp thời trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trước ngày 30/9 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tháng 7/2023, báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, số cán bộ lãnh đạo đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người, cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người.
Chức danh văn phòng Đảng ủy xã/phường vào biên chế?
Cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị quy định chức danh văn phòng Đảng ủy cấp xã, phường vào trong biên chế.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ cho rằng, chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã đã được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Đồng thời, theo quy định tại điểm 17.1 Khoản 17 Hướng dẫn số 01/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng, cơ sở đảng không thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc, cấp ủy phân công cấp ủy viên phụ trách các mặt công tác văn phòng, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra các thành viên đều kiêm nhiệm.
Bộ Nội vụ khẳng định, việc bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy xã, phường vào trong biên chế như kiến nghị của cử tri phải trên cơ sở sửa đổi Hướng dẫn số 01/2021 và Luật Cán bộ, công chức hiện hành.