Thanh Hóa:

Chính quyền “tiếp tay” cho hành vi bán hàng lừa dân?

(Dân trí) - Được sự đồng ý của chính quyền xã, các đối tượng mang danh nhân viên các công ty đã đến từng nhà văn hóa thôn, tổ chức giới thiệu các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và bán với giá "cắt cổ".

Theo phản ánh của nhiều hộ dân thuộc xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), vài năm trở lại đây, người dân trong xã liên tục “được” đón rất nhiều đoàn mang danh các công ty đóng khắp các nơi về tận các thôn để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Những nhân viên này được sự đồng ý của UBND xã nên đã in giấy mời nhờ thôn trưởng đi phát tới tận các hộ gia đình thông báo. Trụ sở UBND xã,  nhà văn hóa thôn được các đối tượng dùng làm nơi tập trung dân và giới thiệu, bán sản phẩm.

Để lấy lòng tin trong nhân dân, nhân viên các công ty này thường in giấy mời với nội dung “được sự đồng ý của UBND xã” hay “Công ty… kết hợp với thôn… để tổ chức”, hay kèm theo nội dung “khi đến sẽ được nhận phần thưởng”…

Chính quyền “tiếp tay” cho hành vi bán hàng lừa dân?
Với lời mời hấp dẫn, đáng tin tưởng, nhiều người dân kéo đến nghe giới thiệu và mua sản phẩm tại nhà văn hóa thôn Tân Cổ

Hàng hóa mà các đối tượng giới thiệu và bán thường là các đồ điện gia dụng như nồi, ấm siêu tốc, chảo đa năng; hoặc các loại thực phẩm chức năng, dụng cụ tiết kiệm điện năng…

Sau khi đã tìm cách câu kéo được đông đảo người dân đến theo dõi buổi quảng cáo sản phẩm, tư vấn khám sức khỏe miễn phí, các đối tượng này bắt đầu tung ra những sản phẩm với những chiêu trò như giảm giá, hàng độc, khuyến mãi hay mua một tặng một. Rất nhiều người dân đã bị thuyết phục và bỏ tiền triệu ra mua các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Anh Lưu Thành Huế, người dân xã Quảng Tân cho biết: “Vì họ xuống giới thiệu là đã được sự cho phép của xã hơn nữa lại kết hợp với thôn, giấy mời thì được trưởng thôn mang đến tận nhà nên chúng tôi không nghi ngờ gì hết. Thế nhưng, tất cả những hàng hóa mua về chỉ dùng được vài ngày là hư hỏng hết. Có những loại máy bán giá “cắt cổ” đắt gấp nhiều lần so với giá thị trường. Tôi cũng là nạn nhân của các đối tượng này khi mua về một cái máy chạy ion để sục khí ozon nhưng về dùng chỉ được không đầy một tuần thì đã bị hỏng”.

Một số người dân khác thì kể lại việc có công ty về tổ chức ngay tại trụ sở UBND xã để bán máy rung chữa bệnh. Buổi tổ chức có đầy đủ các lãnh đạo xã vì thế nên người dân rất tin tưởng. Ai ngờ mua cái máy gần 4 triệu về không bao lâu cũng hỏng.  

Thực phẩm đa năng và máy sục khí ozon bán cho dân xã Quảng Tân
Thực phẩm đa năng và máy sục khí ozon bán cho dân xã Quảng Tân
Thực phẩm đa năng và máy sục khí ozon bán cho dân xã Quảng Tân

Không những bán những đồ gia dụng, các đối tượng còn tổ chức buổi tư vấn khám sức khỏe miễn phí rồi sau đó đưa ra “lời khuyên” cho những người dân được chẩn đoán có bệnh là phải mua những loại thuốc mà các công ty này bán.

“Mẹ tôi ăn không dám ăn nhưng nghe họ bảo mua thuốc của họ sẽ chữa được bệnh nên bỏ cả triệu bạc để mua mấy hộp thực phẩm chức năng mà về uống có thấy được gì đâu. Họ đưa cho mẹ tôi mấy lọ thuốc viên con nhộng như ích não vương Vạn Xuân, Viên nang mềm tảo xoắn Linh Chi, viên nang mềm can xi San Hô Hawaii, tổng cộng hơn triệu bạc” – chị Trịnh Thị Thủy kể lại.

Điển hình có ông Lê Hữu Vân, người dân xã Quảng Tân, sau khi mua lọ "thực phẩm chức năng" về, mở viên thuốc hình con nhộng ra xem thử thì thấy toàn... đất. Quá bức xúc, ông dò tìm số điện thoại của công ty nhưng không có nên đành chịu bị lừa oan.

Mới đây nhất, tối ngày 12/11, tại nhà văn hóa thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân, khi nhân viên của Công ty Nagasaky đang quảng bá, giới thiệu sản phẩm thì bị Đội Quản lý thị trường và cơ động số 9 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, tạm giữ rất nhiều hàng hóa gồm ấm siêu tốc, chảo đa năng, rượu xịt xoa bóp… Tại thời điểm kiểm tra, các nhân viên này không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của loại mặt hàng ấm siêu tốc và chảo đa năng.

Thực phẩm đa năng và máy sục khí ozon bán cho dân xã Quảng Tân
Thực phẩm đa năng và máy sục khí ozon bán cho dân xã Quảng Tân
Hàng không rõ nguồn gốc của Công ty Nagasaky bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ tại thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân

Trước khi bị bắt tại thôn Tân Cổ, công ty này đã giới thiệu và bán sản phẩm cho hàng chục hộ dân của 4 thôn khác cũng tại xã Quảng Tân. Theo phản ánh của người dân thì khi giới thiệu sản phẩm ấm siêu tốc và chảo, các nhân viên cứ nói là đang dịp khuyến mãi nên giá rẻ bất ngờ, không mua thì mất cơ hội, nên người dân vội vàng mua. Không ngờ khi về kiểm tra trên mạng mới thấy giá trên mạng chỉ bằng một nửa giá công ty bán.

Điều đáng nói là việc bán hàng của công ty Nagasaky được sự cho phép của UBND xã Quảng Tân và sự phối hợp của các trưởng thôn.

Ông Nguyễn Văn Sang, Đội trưởng Đội quản lý thị trường cơ động số 9 cho biết, cách đây không lâu, ngày 5/11, cũng chính công ty Nagasaky này khi đang quảng cáo, bán sản phẩm  tại nhà văn hóa Trần Mai Ninh (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) thì bị lực lượng thu giữ hàng chục chảo đa năng, ấm siêu tốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo ông Sang, vì các đối tượng này “mị dân” bằng cách phối hợp với chính quyền địa phương và tổ chức tại các điểm như trụ sở UBND xã hay nhà văn hóa nên càng khiến dân dễ bị lừa. Sắp tới, Chi cục quản lý thị trường sẽ tổ chức buổi tuyên truyền để bà con nhân dân hiểu rõ hơn về những hành vi lừa đảo của các đối tượng “núp bóng” dưới việc tư vấn, quảng bá để bán sản phẩm.

Thư mời với nội dung được sự đồng ý của UBND xã
Thư mời với nội dung được sự đồng ý của UBND xã

Trao đổi với PV, ông Lê Bá Sáu, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết: “Thời gian trước có các công ty về tư vấn rồi bán sản phẩm máy móc hay thực phẩm chức năng là do xã làm theo chỉ đạo từ trên huyện như tổ chức hội phụ nữ huyện hay trung tâm y tế huyện đề nghị xã tạo điều kiện cho họ nên xã cũng chỉ làm theo chỉ đạo thôi. Nếu không làm thì lại bảo địa phương gây khó”.

“Riêng trường hợp mới đây của Công ty Nagasaky thì do đồng chí Phó Chủ tịch còn sơ suất chưa chặt chẽ trong quản lý nên khi nhân viên của công ty đề nghị tạo điều kiện để họ tư vấn cho dân về sử dụng dụng cụ tiết kiệm điện năng, đồng chí Phó Chủ tịch đã phê mấy chữ gửi xuống cho các trưởng thôn tạo điều kiện. Nếu biết họ bán sản phẩm thì chúng tôi không bao giờ đồng ý cho xuống dân tổ chức như vậy” – ông Sáu nói.

Điều đáng nói là dù thôn Tân Cổ là thôn thứ 5 được Công ty Nagasaky tổ chức tư vấn, quảng cáo và bán sản phẩm thế nhưng vị Chủ tịch này khẳng định là không hề biết công ty ngoài tư vấn còn bán sản phẩm (?).

Được biết, không chỉ riêng địa bàn huyện Quảng Xương mà một số huyện khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Nông Cống, Như Thanh… cũng xuất hiện tình trạng trên. Liệu có phải chính quyền địa phương đang “tiếp tay” cho hành vi lừa đảo nhân dân?

Nguyễn Thùy