Chính quyền đô thị TPHCM giúp cán bộ bớt... quan liêu?
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM khẳng định, khi triển khai chính quyền đô thị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị sẽ khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân của cán bộ.
Thể chế có phù hợp?
Ngày 15/8, các thành viên Mặt trận Tổ quốc TPHCM đã tham gia góp ý “Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TPHCM”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đua cho rằng: “Hiện trên cả nước có 63 tỉnh thành, cơ cấu tổ chức chính quyền ở đâu cũng như nhau. Điều này dẫn đến nhiều mặt không tương thích. Tôi lấy ví dụ như Sở Giao thông Vận tải. Ở các tỉnh thì phù hợp, nhưng ở TPHCM thì yếu tố vận tải không nhiều mà công chính mới là quan trọng. Hay du lịch là 1 ngành kinh tế trọng điểm của TPHCM, TP đã nhiều lần đề nghị thành lập Sở Du lịch để đáp ứng yêu cầu quản lý chứ hiện nó chỉ là 1 mảng trong Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch thì không phù hợp tình hình thực tế”.
Do vậy, theo ông, xây dựng chính quyền đô thị chính là cơ cấu lại tổ chức, mô hình, nhiệm vụ… cho phù hợp hơn với đặc thù của TPHCM, của từng vùng trong TP. Từ nhiệm vụ cụ thể của từng cấp chính quyền, từng ngành sẽ xác định được trách nhiệm của từng nơi. Điều này sẽ giúp hoạt động quản lý hành chính hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân của cán bộ.
Trước các ưu điểm của mô hình chính quyền đô thị do ông Nguyễn Văn Đua và ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày, hầu hết các đại biểu góp ý trực tiếp tại hội nghị đều ủng hộ chủ trương xây dựng chính quyền đô thị. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn nhiều băn khoăn.
Đại biểu Đồng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP HCM lo lắng: “Đề án nói nhiều về việc tổ chức chính quyền nhưng tôi chưa thấy chúng ta đề cập đến vai trò của các cấp Đảng ủy ở đâu. Như tại các Ủy ban hành chính không phải là cấp chính quyền thì tổ chức Đảng sẽ hoạt động thế nào? Các tổ chức đoàn thể khác như Mặt trận sẽ bố trí ra sao? Như vậy có phù hợp thể chế chính trị hay không? Tôi nghĩ cần nói rõ, chúng ta xây dựng chính quyền phải đảm bảo hài hòa với thể chế chính trị”.
Cần phản biện kỹ
Góp ý tại hội nghị, GS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM cho rằng đề án vẫn chưa đề cập kỹ đến hoạt động cụ thể của các tổ chức hành chính, còn rối. Ông cho rằng: “Điều tôi quan tâm là người dân sẽ được tiện lợi như thế nào khi tổ chức theo mô hình mới này, có dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày không?”.
Đồng tình, ông Đồng Văn Khiêm cũng nhấn mạnh đề án cần hoàn thiện hơn ở phần cải cách thủ tục hành chính, mô hình chính quyền đô thị chỉ có thể hiệu quả khi đi kèm với cải cách hành chính. Ông cho rằng: “Đề án không chỉ nên nhắm vào việc xây dựng UBND mà còn các cơ quan tham mưu, các sở ban ngành…”.
GS-BS Trần Đông A cũng rất đồng tình với mô hình chính quyền đô thị với 2 cấp sẽ tinh gọn hơn, cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ giúp hoạt động công quyền hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông lo lắng mô hình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sai lầm khi người đứng đầu ra quyết định vì tính tự chủ cao. Do đó, GS đề nghị cần có cơ chế, quy trình bổ nhiệm, bầu ra người đứng đầu và cơ chế giám sát chặt chẽ để giới hạn mặt yếu này.
Đại biểu Lê Văn Hoàng cũng tâm đắc với ý kiến mỗi cấp chính quyền đều có HĐND và UBND, thể hiện rõ chủ trương chính quyền của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, ông đề xuất nên lồng vào đó cả việc cải cách hoạt động của HĐND cho thiết thực hơn. Ông cho rằng: “Nên có nơi để đại biểu tiếp xúc dân, dân có việc cần thì đến gặp đại biểu để bày tỏ. Chứ như hiện nay thì chỉ tới kỳ đại biểu mới gặp dân, mà người dân tiếp xúc đại biểu cũng chỉ là những người được mời đến”.
Đúc kết lại, GS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng: “Đề án rất hay nhưng gửi cho chúng tôi trước 1 tuần rồi bảo góp ý thì chưa chặt chẽ lắm. Tôi đề nghị TP nên lập 1 hội đồng phản biện để nghiên cứu sâu, bàn kỹ từng mặt, từng vấn đề trong đề án này để đề án hoàn thiện hơn nữa”.
Tùng Nguyên