1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chính phủ yêu cầu sớm thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19

Quang Phong

(Dân trí) - Chính phủ yêu cầu ngành thanh tra sớm triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch.

Chính phủ ban hành Nghị quyết hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2021.

Bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân

Chính phủ thống nhất đánh giá trong năm 2021, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm đã xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã có những quyết sách kịp thời, kể cả biện pháp chưa có tiền lệ để phòng, chống dịch; kịp thời chuyển đổi chiến lược từ "không có Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo tinh thần Nghị quyết số 128; thực hiện thành công chiến lược vaccine và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Đồng thời, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước nhưng nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Chính phủ yêu cầu sớm thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19 - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai kết luận của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 (Ảnh: Nhật Bắc).

Nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng ước đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 1,84%, là mức tăng thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây.

Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, mặt bằng lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng đạt 13,53%. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, quy mô vốn hóa tăng trên 46% so với năm 2020, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 16,4%, trong đó thu thuế và phí tăng 14,4% so với năm 2020; chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm; bội chi dưới 4% GDP và thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định; bảo đảm nhu cầu chi phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 tăng 22,6% so với năm 2020, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD. 

An sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân cơ bản ổn định; kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trình độ của người lao động được cải thiện, góp phần tăng năng suất lao động năm 2021 lên 4,71% so với năm 2020. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ đánh giá các lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đạt kết quả chưa cao. Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực hệ thống y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; chi phí đầu vào tăng cao; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. 

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi còn thấp so với kế hoạch. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động...

Ưu tiên nguồn lực phòng chống Covid-19

Chính phủ dự báo, trong năm 2022 cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế và suy giảm tăng trưởng hiện hữu nếu chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh và có giải pháp phù hợp thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; rủi ro lạm phát gia tăng.

Chính phủ thống nhất ưu tiên nguồn lực, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.

Chính phủ cơ bản thống nhất với những kết quả chủ yếu của công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2022 do Thanh tra Chính phủ trình.

Chính phủ yêu cầu sớm thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19 - 2

Chính phủ yêu cầu sớm thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19

Qua đó, Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; sớm triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. 

Khẩn trương triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Đề án về cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xây dựng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ.