Chính phủ vừa "chốt", nhiều chính sách mới về visa sắp được trình Quốc hội
(Dân trí) - Cấp thị thực cho công dân tất cả các nước, nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng, nâng thời hạn tạm trú của người nước ngoài lên 45 ngày là những chính sách mới được Chính phủ thống nhất.
Những nội dung này được đề cập trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3, diễn ra ngày 27/3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bàn về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, Chính phủ cho rằng trình Quốc hội ban hành nghị quyết về nội dung này là cần thiết.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất một số chính sách trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, gồm: Không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của Nhà nước với các dự án hợp tác công tư - PPP; giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án giao thông, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương khi cần thiết; giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án liên kết vùng đi qua địa bàn hai tỉnh và hỗ trợ vốn cho địa phương khác, cùng với hỗ trợ của ngân sách của Trung ương khi cần thiết.
"Các chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình giao thông, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có mục tiêu xây dựng 5.000km đường cao tốc tới năm 2030", theo các thành viên Chính phủ.
Trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết các chính sách được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để thực hiện ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Nhận định dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014 là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân, Chính phủ cho biết hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, cần đánh giá kỹ lưỡng.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận sâu đối với các nội dung mới như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu…
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng đây là dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và nền kinh tế nên rất cần thiết sửa đổi, bổ sung.
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, làm đến đâu chắc đến đó.
Lưu ý thêm một số nội dung, Thủ tướng đề nghị các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng chống tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, con người, thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt, cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.