Chính phủ: TPHCM cần kiểm soát dịch trước 15/9, Hà Nội trước 25/8
(Dân trí) - Về các giải pháp cấp bách chống dịch, Chính phủ đặc biệt lưu ý các địa phương đang phải áp dụng Chỉ thị 15, 16. TPHCM cần kiểm soát dịch trước 15/9, các tỉnh thành khác, trong đó có Hà Nội trước 25/8.
Nội dung này được nêu ngay tại Điều 1 Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội (Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV).
Dứt khoát không để người dân rời địa bàn đang có dịch
Cụ thể, Điều 1 Nghị quyết 86 nêu cụ thể các giải pháp cấp bách áp dụng trong cuộc chiến chống dịch để có thể ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội.
Tinh thần chung, Chính phủ giao lãnh đạo địa phương chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định tương ứng với mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng; căn cứ vào tình hình thực tế có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn quy định tại các văn bản nêu trên.
Nghị quyết nêu rõ định hướng chỉ đạo: Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả cấp, làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh.
Chính phủ yêu cầu các lực lượng bám sát thực tiễn với tinh thần "hiệu quả trên hết" phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua.
Tất cả địa phương thực hiện nghiêm phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", phát hiện xử lý ngay người đến từ vùng có dịch mà không khai báo; người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền.
Một trong những giải pháp cấp bách khác Chính phủ đưa ra là cho phép địa phương chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết trên nguyên tắc "ai ở đâu ở đó".
Chính phủ yêu cầu dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch, làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối mọi quy định và biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền.
3 mốc thời hạn cho các tỉnh thành đang có dịch
Với các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng phải quán triệt việc thực hiện nghiêm, tuyệt đối không để việc giãn cách xã hội hình thức, "chặt ngoài, lỏng trong". Nhiệm vụ trong thời hạn 14 ngày kể từ khi bắt đầu giãn cách phải bảo vệ được thật chắc các "vùng xanh"; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh", "vùng cam" thành "vùng vàng" và khoanh chặt, thu hẹp "vùng đỏ"; trong 28 ngày thì phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các "vùng đỏ" ở phạm vi hẹp nhất.
Chính phủ giao TPHCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9. Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước 1/9. Các tỉnh, thành khác (trong đó có Hà Nội) phấn đấu đến mốc 25/8 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, tuyệt đối không để ai bị đói; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Chỉ đạo mang tính chất thời sự, cấp bách khác cũng được đề cập là về vắc xin và thuốc điều trị Covid-19. Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh hoạt động ngoại giao vắc xin bằng mọi cách.
Bộ Y tế được giao làm đầu mối chủ trì trong việc phân bổ, chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin. Tinh thần chung, nhà nước huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị Covid-19.