Chính phủ sẽ kiểm tra việc chấp hành văn bản phòng, chống dịch ở địa phương
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ sẽ tham mưu, đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên Bộ để kiểm tra các địa phương về việc chấp hành văn bản của Trung ương trong phòng, chống dịch.
Nghị quyết 128 nhằm thống nhất thực hiện toàn quốc
Sáng 29/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời Nghị quyết 128/NQ-CP.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 128 trong tình hình mới. Đây là những quy định tạm thời để chuẩn bị cho 2 chiến lược là "Chiến lược thích ứng an toàn mới với đại dịch Covid-19"; "Chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế". Hiện nay, cả 2 chiến lược này đều đang được xây dựng.
"Đây là hội nghị đầu tiên Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông và chủ động đi trước. Hội thảo nhằm trao đổi cặn kẽ những vướng mắc, những nội dung quan trọng cần được truyền thông tốt hơn, để các cơ quan báo chí có kiến nghị, đóng góp với Bộ Y tế trong thực tế truyền thông phòng, chống dịch" - Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn thông tin.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã giới thiệu về các nội dung cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT.
Cụ thể, phần mục tiêu khi Nghị quyết 128 được đưa ra nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Đề nghị cần có chế tài xử lý các địa phương làm trái quy định
Tại hội thảo, các lãnh đạo, phóng viên cơ quan thông tấn báo chí cho rằng, về việc áp dụng Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 trong thực tiễn tại các địa phương có dấu hiệu làm trái với quy định của Trung ương. Trên cơ sở đó, đại diện một số cơ quan báo chí đề nghị cần có chế tài để xử lý đối với các địa phương làm trái quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, sau khi ban hành Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải có sự thống nhất lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, không được làm sai quy định của các văn bản này.
Tính đến sáng 29/10, cơ quan thường trực của Bộ Y tế cho biết mới có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 128. Hiện các tỉnh, thành chưa ban hành kế hoạch đang được tổng hợp danh sách để báo cáo Phó Thủ tướng đôn đốc.
Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch ở một số địa phương có ca mắc sâu hoặc vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế đã ra Công điện số 1700/CĐ-BYT nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch nói chung,
Về đề nghị cần có chế tài đối với các địa phương làm trái quy định của Trung ương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến này và báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia. Cơ quan này sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để có chế tài đố với các tỉnh, thành phố, cơ quan liên quan.
Đáng chú ý, ông Tuyên cho biết, tại cuộc họp trước đó mà ông đã tham dự, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên Bộ đi kiểm tra các địa phương về việc chấp hành văn bản chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng chống dịch để đảm bảo sự thống nhất giữa trung ương và các địa phương.
Tiếp tục thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước mắt đang triển khai tiêm ưu tiên nhóm người 16-17 tuổi. Hiện nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, rà soát các đối tượng tiêm và Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ y tế các tuyến triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em tại 63 tỉnh, thành. Hiện mới có 2 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ…