1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công bố cấp độ dịch: Hà Nội là Thủ đô, phải gương mẫu hơn địa phương khác!

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên bất cứ động thái nào đều ảnh hưởng đến cả nước; Hà Nội phải làm gương, phải đi đầu…

Quan điểm nêu trên được TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, trao đổi với PV Dân trí sáng 22/10.

Trước đó, ngày 21/10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Hà Nội luôn chuẩn bị phương án phòng chống dịch cao nên cho rằng "có đóng trước hay mở sau một tý cũng không sao, vì phương châm là phải bảo vệ bằng được Thủ đô".

Công bố cấp độ dịch: Hà Nội là Thủ đô, phải gương mẫu hơn địa phương khác! - 1

Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm, Hà Nội phải làm gương (Ảnh: Nhật Bắc).

Liên quan đến phát ngôn này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích, thứ nhất, là Thủ đô của cả nước nên nếu Hà Nội "dừng hoặc tiến" thì đều ảnh hưởng đến cả nước chứ không chỉ ảnh hưởng riêng tới Hà Nội.

Thứ hai, Hà Nội là địa phương nhận được sự quan tâm của cả nước, là nơi có vị trí quan trọng nên Hà Nội phải gương mẫu hơn các địa phương khác. Hà Nội phải làm gương, phải đi đầu để các địa phương khác lấy đó làm bài học.

Thứ ba, Hà Nội gần Trung ương, có khả năng tận dụng được mọi nguồn lực, tận dụng được mối quan hệ, mọi sự tham vấn nên có thể nói, Hà Nội có đầy đủ điều kiện, ưu điểm, ưu thế thực hiện các vấn đề so với các tỉnh thành khác.

Trả lời câu hỏi về động thái được cho là "lừng chừng" khi công bố cấp độ dịch, TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, Nghị quyết 128 của Chính phủ yêu cầu áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, các địa phương cần tuân thủ quy định của Trung ương, của Bộ Y tế về việc công bố cấp độ dịch.

"Nếu không công bố cấp độ dịch thì Hà Nội áp dụng 13 biện pháp theo Nghị quyết 128 (4 cho cá nhân; 9 cho cơ quan, tổ chức) trên cơ sở gì? Vấn đề này rất quan trọng và là vấn đề mấu chốt. Cho nên người dân Thủ đô đang rất cần cấp chính quyền phải công bố cấp độ dịch" - ông Nhưỡng nêu vấn đề và đề nghị Hà Nội cần khẩn trương công bố cấp độ dịch để có bằng chứng, cơ sở pháp lý thực hiện Nghị quyết 128.

Công bố cấp độ dịch: Hà Nội là Thủ đô, phải gương mẫu hơn địa phương khác! - 2

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương công bố cấp độ dịch để có bằng chứng, cơ sở pháp lý để thực hiện Nghị quyết 128 (Ảnh: Mạnh Quân).

Đối với thông tin Bộ Y tế công bố dịch tại thành phố thuộc cấp độ 1, vị Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Hà Nội cần thực hiện theo thông tin được Bộ Y tế công bố.

"Nếu thấy chưa thuộc cấp độ này thì đề nghị Hà Nội báo cáo Bộ Y tế, báo cáo Thủ tướng vì trong Nghị quyết 128 có điều khoản thể hiện, nếu quá trình thực hiện nghị quyết này mà có vấn đề vướng mắc, phát sinh thì kịp thời báo cáo để xem xét" - ông Nhưỡng chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc Hà Nội chưa chính thức công bố cấp độ dịch của thành phố sẽ khiến người dân di chuyển, làm việc… liên tỉnh gặp khó khăn vì "không rõ ở cấp nào" để có biện pháp phòng, chống dịch tương ứng.

Tiến sĩ Nga cho rằng, Hà Nội nên dựa vào thông tin của Bộ Y tế đã công bố, sớm mở cửa lại trường học, cơ sở tôn giáo… đi kèm các biện pháp phòng, chống dịch.

"Hà Nội không nên thận trọng quá mức mà nên sớm mở cửa lại trường học. Việc này để chậm chễ ngày nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến công việc của người lớn. Riêng dịch vụ karaoke, mát xa… có thể mở sau cũng được còn trường học phải mở sớm" - ông Nga nêu quan điểm.

Trước đó, chiều 20/10, sau hơn một tuần Bộ Y tế ban hành quyết định 4800/QĐ-BYT hướng dẫn các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, UBND TP Hà Nội mới ban hành Công điện số 22/CĐ-UBND nhưng vẫn không nêu thành phố thuộc cấp độ dịch nào.

Áp theo nội dung Nghị quyết 128 của Chính phủ, địa bàn thuộc cấp độ 1 có thể mở lại tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong trạng thái "bình thường mới" nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Thực tế, tại Hà Nội, hiện vẫn còn nhiều hoạt động, dịch vụ chưa được phép hoạt động trở lại để phòng, chống dịch Covid-19.