Chính phủ đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu lao động
(Dân trí) - Theo báo cáo của Chính phủ, Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng cho 128,746 người sử dụng lao động và hơn 5 triệu lao động.
Một số chính sách thực hiện giải ngân hạn chế
Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết được ban hành với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực nhưng cần tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, một số chính sách có nguồn lực lớn những kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.
Về thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, ông Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch.
Việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam chưa có kết quả thực hiện.
Nguyên nhân do chưa đến thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có kỳ tính thuế không theo năm dương lịch. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo số liệu này trong thời gian tới.
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng gặp các khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế; thời điểm lập hóa đơn; cần phải lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến cuối tháng 8, số tiền hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đạt khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,99% nguồn lực được Quốc hội quyết định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, kết quả thực hiện thấp và dự kiến đến hết năm 2023 chỉ đạt khoảng 1.408 tỷ đồng, tương đương 3,5% nguồn lực.
Nguyên nhân được đưa ra do khách hàng e ngại công tác thanh, kiểm tra; khó xác định đối tượng thuộc diện "có khả năng phục hồi"; nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng thụ hưởng...
Bên cạnh đó, Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng cho 128,746 người sử dụng lao động và hơn 5 triệu lao động.
Đề xuất tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng, ban hành văn bản triển khai chính sách thuộc Chương trình để được thực hiện tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ còn một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai.
Nguyên nhân do chương trình được xây dựng và ban hành trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, tác động đến tình hình triển khai, nhu cầu, tính khả thi của Chương trình.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, về triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đề nghị Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43.
Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách, sẽ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi.
Sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng vào Nghị quyết số 43 và bố trí vốn với 2.920,7 tỷ đồng còn dư sau khi thực hiện chính sách nêu trên cho 5 dự án thuộc ngành y tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2024. Giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.