1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chính phủ “chốt” phương án đổi mới giáo dục

(Dân trí) - Nội dung được chờ đợi trong phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ là các quyết sách đối với lĩnh vực giáo dục. Chính phủ thống nhất giữ nguyên cơ cấu hệ giáo dục phổ thông với 12 năm học, Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa chung…

Giữ cơ cấu 4 năm cấp 2, 3 năm cấp 3

Chính phủ “chốt” phương án đổi mới giáo dục


Chính phủ nhất trí ban hành Nghị quyết về Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về 3 lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Các trường khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ cần có đề án phù hợp trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục Đại học. Việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương và Đại học Hà Nội) thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là không có quản lý nhà nước. Để được tự chủ thì phải có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Đây chính là khung quản lý đối với các trường”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức hội đồng trường để tăng cường hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động các trường được giao tự chủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, từ nay đến năm 2016, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, nhất là ở khu vực sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp lập thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính phủ cũng đã thông qua Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí.

Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dự thảo đưa ra 2 phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó, phương án 1 là Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.

Mục tiêu tăng trưởng 5,8% cả năm khả thi
Chính phủ “chốt” phương án đổi mới giáo dục

Về lĩnh vực kinh tế, Chính phủ thống nhất đánh giá trong những tháng đầu năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp của nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc. Dựa trên tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng và dự báo thực hiện cả năm, trong 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt; trong đó tăng trưởng GDP  đạt 5,8%; chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả đạt được trong 8 tháng qua cho thấy có cơ sở để tin tưởng việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 đã đề ra; đồng thời yêu cầu trong 4 tháng còn lại của năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ.

“Nếu nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8% là khả thi” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Với tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách; các nhóm giải pháp trong lĩnh vực xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác đối ngoại… Tạo đà phát triển ở mức cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật đầu tư công, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng sử dụng vốn dàn trải, kém hiệu quả chống thất thoát, lãng phí.

Về cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng lưu ý: “Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước”. Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của từng lĩnh vực, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, loại bỏ các văn bản, quy định bất hợp lý, tạo vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém xã hội, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở phát triển.

“Tôi đồng ý quản lý nhà nước là phải bằng pháp luật, bằng chiến lược, quy hoạch nhưng thực tế chúng ta có quá nhiều quy hoạch không phù hợp và không cần thiết. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta hoặc phải hạn chế và giảm bớt quy hoạch, hoặc cần phải có quy hoạch thì phải theo thị trường” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

P.Thảo