1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chiêu lừa vé số trúng thưởng

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra nhiều vụ lừa đổi vé số trúng thưởng. Nạn nhân là những người nghèo khó sống bằng nghề bán vé số dạo.

 
Ông Hai Minh (bìa phải) dù đã lớn tuổi phải đi bán vé số vẫn bị kẻ lừa đảo nhắm đến - Ảnh: Hà Mi

Ông Hai Minh (bìa phải) dù đã lớn tuổi phải đi bán vé số vẫn bị kẻ lừa đảo nhắm đến - Ảnh: Hà Mi
 

Bà Nguyễn Thị Xinh (ngụ phường Tân Phong, TP Biên Hòa), bán vé số dạo, cho biết trong tuần qua khi bà đang bán vé số ở khu vực xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), có một người đàn ông hơn 30 tuổi đi xe máy tay ga bịt mặt hỏi đổi một vé trúng thưởng của Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang trúng giải năm, trị giá 1 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Mong, trưởng Công an phường Trảng Dài (TP Biên Hòa), cho hay trong tháng 10, người bán vé số dạo có đến trình báo bị lừa vé số trúng thưởng. Do bị lừa ở địa bàn khác nên công an phường hướng dẫn họ đến công an ở địa bàn xảy ra lừa đảo để trình báo. Ông Mong cho biết sẽ rà soát các thông tin trên để cảnh giác với người dân về các thủ đoạn lừa đảo.

 “Sau khi đổi cho người đàn ông đó bằng 10 tờ vé số mới chưa xổ trị giá 100.000 đồng và 900.000 đồng tiền mặt, tôi chuyển vé trúng thưởng lên đại lý vé số ở TP Biên Hòa, đại lý cũng không phát hiện. Khi đại lý chuyển đến Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang thì mới bị phát hiện vé trúng thưởng bị dán khống nên trả về, chúng tôi mới té ngửa” - bà Xinh nói.

 

Một nạn nhân khác là Đinh Bá Nam (14 tuổi, ngụ P.Tân Phong) cho hay gần đây đã bị một đối tượng khoảng 30 tuổi lừa mất 100 tờ vé số bằng thủ đoạn cắt dán như trên. Khi Nam đi bán vé số trên đường Đồng Khởi, TP Biên Hòa đã đổi 10 tờ vé số trúng thưởng giải tám trị giá mỗi tờ 100.000 đồng. Do không có tiền đổi, người đàn ông nọ nói lấy 100 tờ vé số mới chưa xổ trị giá 1 triệu đồng. Nam nói: “Đổi vừa xong tôi phát hiện có một tờ rách bị tróc số, kiểm tra thêm chín tờ khác mới biết bị lừa, vừa ngước lên thì người đàn ông phóng xe chạy mất”.

 

Còn ông Hai Minh (ngụ xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) nhớ lại: “Tôi đang đi bán thì một thanh niên hỏi mượn giấy dò. Người này nói trúng hai tờ kêu tôi đổi 400.000 đồng. Tôi chỉ còn hơn 200.000 đồng nên phải đưa thêm vé số chưa xổ. Ai ngờ về đại lý phát hiện là vé số cạo sửa”. Do bị lừa mất vốn nên hằng ngày ông Minh phải còng lưng trả góp cho đại lý để tiếp tục đi bán vé số mưu sinh.

 

Vé số do bà Xinh đổi được Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang xác nhận là... dán - Ảnh: Hà Mi
Vé số do bà Xinh đổi được Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang xác nhận là... dán - Ảnh: Hà Mi

 

Chị Hạnh, bán vé số nhiều năm ở P.Quyết Thắng (TP Biên Hòa), cho biết: “Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào giải thưởng nhỏ, đổi vài tờ lấy tiền hoặc lấy vé số mới chưa xổ. Không chỉ cạo sửa số mà người lừa đảo còn sửa ngày tháng năm nên sơ hở là bị lừa ngay”. Theo chị Hạnh, chị từng là nạn nhân của một vụ sửa ngày tháng năm trên vé của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM. Đối tượng cầm vé đổi giải tám trị giá thưởng 100.000 đồng để đổi 10 tờ vé số mới. Sau khi đổi, chị đưa đại lý mới bị phát hiện số trúng thì đúng nhưng hình ảnh trên vé số không đúng và ngày tháng năm đã bị sửa. “Từ khi bị mất tiền oan, tôi luôn lưu mẫu vé số của từng ngày xổ số để tránh bị lừa” - chị Hạnh tâm sự.

 

Một đại lý vé số ở địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết đã có hàng chục người bán vé số dạo trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Nhiều người nghèo chọn nghề bán vé số dạo làm nghề mưu sinh đã phải điêu đứng trước thủ đoạn này. Có người bị lừa đã trắng tay, vay mượn người thân, “đồng nghiệp” hoặc năn nỉ đại lý tạo điều kiện để tiếp tục được đi... bán vé số. Bà Xinh nói sau bị lừa gia đình bà điêu đứng: “Ngày nào tôi cũng khóc. Tôi phải vay mượn tiền để trả cho đại lý và tiếp tục bán vé số chứ không biết làm gì để sống nữa”.

 

Theo Hà Mi - Hạnh Dung
 Tuổi trẻ