Chị Nguyệt "Hoài Đức" và hơn 300 ngày giông bão
Chị mang biệt danh “Nguyệt Hoài Đức” từ khi tố cáo lãnh đạo Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) nhân bản kết quả xét nghiệm. Vụ án vừa được đưa ra xét xử khiến xã hội lại thêm một lần nhắc nhớ tới chị, người phụ nữ dám vượt qua mọi bão giông để giữ lại sự trong sạch của tấm áo blouse trắng.
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, người phụ nữ dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực trong ngành Y. ảnh: Thái Hà
Hơn 3 tháng kể từ ngày vụ tiêu cực tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị Công an TP Hà Nội khởi tố, ngày 7/3 vụ án đã được đưa ra xét xử. Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, nhân viên khoa Xét nghiệm đến dự phiên tòa với tư cách nhân chứng.
Trước hôm diễn ra phiên tòa đặc biệt liên quan đến ngành y một ngày, tôi gặp lại chị Nguyệt, vẫn nụ cười hiền và đôi mắt đượm buồn nhưng nghị lực dường như không vợi bớt nơi người phụ nữ đang trải qua những tháng ngày sóng gió nhất cuộc đời.
Hà Nội đang những ngày mưa sập sùi, tôi lại nhớ hình ảnh người phụ nữ với gương mặt hốc hác, mái tóc xơ xác và đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ, lặn lội không quản mưa bão xối xả đưa phóng viên đến từng nhà bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu trùng nhau để thu thập bằng chứng.
Để có được những bằng chứng ấy, chị Nguyệt và 2 đồng nghiệp đã phải lao tâm khổ tứ, kín kẽ từng việc làm để tránh những ánh nhìn soi mói của nhiều đồng nghiệp khác, nhằm tìm mọi cách có được những tài liệu quan trọng đưa vụ việc tiêu cực đến với cơ quan chức năng và báo chí.
Giáp tết năm 2013, khi cùng vài đồng nghiệp nhận thấy những nghi ngờ trong các kết quả xét nghiệm máu của nhiều bệnh nhân, chị Nguyệt đã tập trung tìm hiểu và dần phát hiện những dấu hiệu gian dối khi trả kết quả.
Khi nhận ra sự thật đằng sau những mảnh giấy in kết quả xét nghiệm, chị cùng hai đồng nghiệp nữ bàng hoàng và căng thẳng, không ai còn nghĩ đến việc lo sắm tết nữa, chỉ tập trung tìm cách phơi bày sự thật. Nhưng phía trước họ là quá nhiều rào cản kiên cố khi mà chính lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa Xét nghiệm là những người “dính chàm”.
“Tôi tin vào công lý và tôi vẫn sẵn sàng tiếp tục đưa ra ánh sáng những việc làm không đúng mà tôi phát hiện ra”. Chị Hoàng Thị Nguyệt |
Chị nghĩ: “Không thể thấy đồng nghiệp làm sai mà mình coi như không biết, còn biết bao bệnh nhân bị ảnh hưởng từ những sai phạm đó, phải tìm cách để đồng nghiệp nhận ra lẽ phải”. Và chị quyết định viết đơn tố cáo hành vi nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện sau những nỗ lực từ trao đổi nhẹ nhàng đến gay gắt tại các cuộc họp bệnh viện bất thành.
Gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng như Sở Y tế Hà Nội, Công an TP Hà Nội, chị bắt đầu những tháng ngày sống trong hồi hộp, lo lắng, căng thẳng vì không biết sự việc sẽ đi đến đâu.
“Khi biết tôi tố cáo, ông giám đốc nhờ người đến gặp tôi trao đổi nhưng tôi không chấp nhận, không tiếp. Dù hứa hẹn bổ nhiệm tôi lên chức cao hơn nhưng tôi thấy không cần những điều đó. Làm việc là phải cả quá trình cố gắng, cống hiến và phấn đấu chứ đâu chỉ lợi dụng vụ việc để mặc cả thăng tiến”, chị Nguyệt chia sẻ.
Giữa vòng xoáy
Chỉ một ngày sau khi đơn tố cáo được gửi đi, lãnh đạo bệnh viện đã biết. Tiếp đó là những ngày chị cùng đồng nghiệp đứng đơn tố cáo quay cuồng trước cơn bão của dư luận, sức ép của lãnh đạo và sự đay nghiến của đồng nghiệp.
Trừ 2 đồng nghiệp sẵn sàng công khai sát cánh bên chị tố cáo sự việc còn lại có những người ủng hộ nhưng không dám thể hiện ra ngoài vì lo sợ bị trù dập. Những ngày đó không khí căng thẳng bao trùm bệnh viện. Nhiều nhân viên y tế, bác sĩ không dám nói chuyện với ba phụ nữ “gây chuyện” này.
Họ chỉ dám chia sẻ bằng ánh mắt ấm áp như động viên các chị. Chị Nguyệt nói: “Chúng tôi biết có nhiều người trong viện ủng hộ việc làm của 3 chị em, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hy sinh sự bình yên để lên tiếng ủng hộ công khai. Tôi luôn cảm ơn những sự sẻ chia lặng thầm của các đồng nghiệp, nó giúp chúng tôi vững tin vào việc mình làm”.
Trái lại cũng có những người cùng làm nói trực tiếp với chị Nguyệt bằng lời lẽ miệt thị, cho rằng chị vu oan cho đồng nghiệp vì không được bổ nhiệm làm lãnh đạo khoa Xét nghiệm. Khi sự việc đang rất căng thẳng, lại dấy lên tin đồn chị cặp bồ với một đồng nghiệp cùng bệnh viện.
Khẽ nở nụ cười buồn, chị bảo: “Cũng may là vợ con của anh đồng nghiệp hiểu được sự việc nên biết tôi bị vu khống chuyện cặp bồ chứ không mọi sự còn rắc rối hơn nhiều”.
Chúng tôi cũng đã từng có cuộc trò chuyện rất lâu với người đàn ông bị đồn thổi là bồ của bác sĩ Nguyệt. Anh cười hồn hậu bảo: “Nguyệt là người tốt và có năng lực, thẳng tính và không bao che cái xấu, nên việc làm của cô ấy động chạm đến nhiều người có chức quyền nên bị nói xấu, tung tin đồn nhảm không có gì lạ”.
Giữa lúc đang chờ cơ quan chức năng nhận đơn để xử lý vụ việc thì bất ngờ chị Nguyệt bị hơn 40 đồng nghiệp đứng đơn tố ngược chị là người có nhiều việc làm sai trái. Sốc, bất ngờ trước việc bị tố cáo nhưng ở thời điểm đó, khi tiếp xúc với chị, tôi vẫn nhận thấy niềm tin vào lẽ phải, vào sự thật vẫn ăm ắp trong người phụ nữ cương nghị ấy. Và rồi sự thật đã chiến thắng, khi các đồng nghiệp đã rút đơn tố cáo chị.
Vững một niềm tin
Ngày đầu tháng 3, gặp lại người phụ nữ cá tính và mạnh mẽ ấy, thấy chị mập hơn và tươi trẻ, nhưng trong ánh mắt vẫn chất chứa nỗi buồn sâu lắng. Vào ngày 27/2, Ngày Thầy thuốc VN, giữa những tin nhắn chúc mừng của bệnh nhân, bạn bè, đồng nghiệp chị vẫn nhận được những lời đe dọa của những kẻ giấu mặt vì đã dám tố cáo lãnh đạo. Việc nhận những nhắn tin đe dọa đã thành việc không lạ với chị. Nó không khiến người phụ nữ này nhụt chí.
Câu chuyện với chị đôi lúc bị ngắt quãng vì một số cuộc gọi của các nhà báo và người dân quan tâm đến chị khi vụ án được đưa ra xét xử. Chị nhẹ nhàng trả lời mọi người rằng, chị không vui vì đồng nghiệp vướng vòng lao lý, nhưng chị tin pháp luật sẽ giúp họ có nhận thức đúng hơn.
Tôi thấy giọng chị có lúc nghẹn lại khi mọi người hỏi về sức ép tâm lý đối với chị và rồi qua giây phút rất phụ nữ ấy lại thấy chị đúng là chị, mạnh mẽ và kiên cường: “Tôi tin vào công lý và tôi vẫn sẵn sàng tiếp tục đưa ra ánh sáng những việc làm không đúng mà tôi phát hiện ra”.
Từ ngày sự việc được phơi bày, người dân quanh bệnh viện, nơi chị ở luôn ủng hộ, hỏi thăm động viên và chia sẻ với chị. Áp lực phần nào vơi bớt khi chị được ban lãnh đạo mới của bệnh viện luôn động viên, được cơ quan công an đảm bảo an toàn.
Chị Nguyệt hào hứng cho tôi xem những quà tặng tinh thần của nhiều người chị chưa từng biết mặt gửi về để động viên và cảm ơn hành động dũng cảm của chị. Nhiều phóng viên yêu quý chị bởi sự nhiệt thành, tận tâm và không quản vất vả để đi đến cùng sự thật.
Trở về sau một buổi tập thể dục thẩm mỹ, chị nói: “Dù nhiều việc nhưng mình vẫn phải chăm lo sức khỏe bản thân để có sức mà chăm chồng con và làm việc. Dẫu sao mình cũng là phụ nữ, cũng cần biết làm đẹp vì chồng con và xả stress”. Nhắc tới chồng con, ánh mắt chị rạng rỡ hẳn bởi anh và các con đã sát cánh, động viên và bền bỉ cùng chị vượt qua những tháng ngày gian khó vừa qua. |
Theo Thái Hà
Tiền Phong