1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có những quyền và trách nhiệm gì?

Văn Yên

(Dân trí) - Theo dự thảo Lluật PCCC&CNCH, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có quyền quyết định việc di chuyển, phá dỡ chướng ngại vật, tài sản trong phạm vi cứu nạn để cứu người, cứu tài sản...

Tại Điều 34 dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định về người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ thể hiện, khi xảy ra cháy cần phải cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng công an nhân dân là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, khi xảy ra tai nạn, sự cố cần phải cứu nạn, cứu hộ, người có chức vụ cao nhất của lực lượng công an nhân dân được phân công chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, sự cố là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn.

Chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có những quyền và trách nhiệm gì? - 1

Một cán bộ PCCC báo cáo, xin ý kiến chỉ huy PCCC tại một buổi diễn tập PCCC tại Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Theo dự thảo luật, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ thực hiện quyền chỉ huy bằng mệnh lệnh, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và có các quyền sau đây:

Thứ nhất, sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan công an thuộc phạm vi quản lý tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Thứ hai, huy động theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, xác định, quyết định khu vực cứu nạn, cứu hộ, phương án, sử dụng địa hình, địa vật để cứu nạn, cứu hộ.

Thứ tư, cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực cứu nạn, cứu hộ.

Thứ năm, quyết định việc di chuyển, phá dỡ chướng ngại vật, tài sản trong phạm vi cứu nạn, cứu hộ để cứu người, cứu tài sản theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khi người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ thuộc lực lượng công an nhân dân chưa có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, sự cố thì người đứng đầu cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nơi xảy ra tai nạn, sự cố, sử dụng lực lượng, người, phương tiện thuộc phạm vi quản lý để thực hiện cứu nạn, cứu hộ và tham gia hỗ trợ, khắc phục tai nạn, sự cố.

Mọi người đều được huy động để tham gia cứu nạn, cứu hộ

Theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, khi có tình huống cứu nạn, cứu hộ thì lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đều có thể được huy động để tham gia cứu nạn, cứu hộ; trường hợp cần thiết, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có thể đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bố trí lực lượng, người, phương tiện để hỗ trợ, giúp đỡ cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp đó, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm bố trí ngay lực lượng, người, phương tiện, tài sản để tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ; trường hợp bị mất, hư hỏng, bị thiệt hại do việc huy động trực tiếp gây ra thì được bồi thường. Người có thẩm quyền quyết định huy động có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường. Mức bồi thường và việc chi trả bồi thường được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Dự thảo Luật PCCC&CNCH cũng quy định, người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ được ưu tiên khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đơn vị soạn thảo dự luật cho biết, thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ được quy định như sau:

Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thứ hai, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trưởng phòng cảnh sát PCCC&CNCH công an cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Công an, giám đốc công an cấp tỉnh và trưởng công an cấp huyện được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của lực lượng Công an nhân dân thuộc phạm vi quản lý của mình.