1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chị Hồng sẽ nhận được 5 triệu yên sau phát hiện động trời về chồng bà Ngọt?

(Dân trí) - Theo nhiều luật sư, từ việc cơ quan điều tra phát hiện sự thật về giấy tờ của người đàn ông mà bà Phạm Thị Ngọt nhận là chồng cung cấp, số tiền 5 triệu yên phải được giao ngay cho chị Hồng.



"Không còn lý do để trì hoãn"

Theo luật sư Phạm Thanh Bình (VP Luật Bảo Ngọc), việc ông Afolayan Caleb (quốc tịch Nam Phi), người được bà Phạm Thị Ngọt nhận là “chủ sở hữu” của 5 triệu yên dùng giấy tờ giả vào Việt Nam, cho thấy không có lý do gì phải trì hoãn thêm việc giải quyết 5 triệu yên Nhật cho chị Hồng, người nhặt được số tiền trong loa cũ.

“Liên quan đến người đàn ông này, dưới góc độ luật pháp thì ngay từ đầu cũng không đủ cơ sở cho ông ta hay bà Ngọt nhận số tiền. Chưa kể đến việc, trước thời điểm 1 năm thông báo tìm chủ của số tiền đến khi bà Ngọt làm đơn cũng không hề có bất kì căn cứ nào thuyết phục. Đến hiện tại, trong quá trình điều tra, người đàn ông được cho là chồng bà Ngọt còn có dấu hiệu xâm nhập lãnh thổ Việt Nam bất hợp pháp, vì vậy không có lý do trì hoãn giải quyết số tiền 5 triệu yên cho chị Hồng. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng nên giải giải quyết ngay việc này để tránh phiền phức, tốn nhiều giấy mực thêm nữa”, luật sư Phạm Thanh Bình cho biết.

Luật sư Phạm Thanh Bình
Luật sư Phạm Thanh Bình

Cũng theo luật sư Phạm Thanh Bình, Công an quận Tân Bình nên giải quyết dứt điểm vụ việc này vì càng trì hoãn bao nhiêu càng cho thấy sự lúng túng và thậm chí dễ tạo luồng dư luận không tốt.

“Nếu sau này giả sử có người xác nhận số tiền 5 triệu yên đó thuộc về họ thì phải kiện ra toà để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu. Đương nhiên người đó phải đưa ra các bằng chứng xác thực số tiền là của mình và hợp pháp”, luật sư Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm phải giao ngay số tiền 5 triệu yên cho chị Hồng, theo luật sư Trương Quốc Hoè, trưởng văn phòng luật sư Interla, đến thời điểm hiện tại, bà Ngọt không đưa ra đủ căn cứ xác quyền sở hữu và kèm theo việc người chồng của bà Ngọt xâm nhập lãnh thổ Việt Nam với giấy tờ giả cho thấy, không có lý do gì để trì hoãn việc giao số tiền cho chị Hồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Luật sư Phạm Thanh Bình

Cũng theo ông Hoè, việc chiếm hữu theo các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, vật bị chôn giấu... được coi là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu. Tùy thuộc tình trạng phát hiện mà có cách áp dụng quy định pháp luật để xác lập sở hữu khác nhau. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 239 BLDS thì: 

“Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước”. 

Theo luật Hòe, để khẳng định tài sản là vật vô chủ thì phải xác định được việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu. Trong đó, thái độ chủ quan của chủ sở hữu đối với việc từ bỏ tài sản phải là cố ý. Nếu chủ sở hữu bỏ lại tài sản một cách vô ý thì tài sản được xác định là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 239 BLDS, tức chị Hồng hưởng trọn.

Vợ chồng người mua ve chai là người đã phát hiện ra số tiền trong cái loa, là tài sản mà họ mua được. Đương nhiên người bán loa chỉ định đoạt về quyền sở hữu với cái loa chứ không định đoạt số tiền ẩn chứa trong đó… Đến thời điểm này đã hết hạn thông báo tìm chủ sở hữu số tiền 5 triệu yên thì vợ chồng người mua ve chai sẽ được nhận số tiền đó. 

“Chồng” bà Ngọt làm giả giấy tờ

Trước khi người “chồng” của bà Phạm Thị Ngọt, người phụ nữ nhận có chồng là “chủ sở hữu” số tiền 5 triệu yên, bị vạch trần đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bà Ngọt đã có đơn gửi đến công an quận Tân Bình yêu cầu nhận lại số tiền 5 triệu yên do chồng bà là ông Caleb Afolayan để quên trong thùng loa vì không nhớ nên đem cho thùng loa đi.

Công an Tân Bình đã cho biết, do có tình tiết mới như trên nên cần có thời gian xác minh làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. 

Ngày 12/5, Công an quận Tân Bình đã có văn bản trả lời bà Hồng với nội dung chưa thể giải quyết số tiền trên trong thời hạn một năm kể từ ngày đăng tin tìm chủ sở hữu. Đến chiều 13/5, bà Ngọt đã mang một số loại giấy tờ bổ sung giấy tờ của ông Caleb Afolayan, gồm: giấy phép lao động cho một công ty với vai trò giáo viên (do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cấp), giấy tạm trú (do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM cấp), hai loại giấy tờ trên có thời hạn từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2013 đến nộp tại công an quận Tân Bình. Tuy nhiên, đại diện công an quận Tân Bình cho rằng, việc bà Ngọt cung cấp các giấy tờ trên không liên quan đến việc chứng minh chủ sở hữu của số tiền 5 triệu yên. 

Vụ phán quyết 5 triệu yên kéo dài khiến chị Hồng và gia đình mệt mỏi. Ảnh: Trung Kiên
Vụ "phán quyết" 5 triệu yên kéo dài khiến chị Hồng và gia đình mệt mỏi. Ảnh: Trung Kiên


Còn việc bà Ngọt và ông Afolayan Caleb chưa thực hiện các thủ tục hôn nhân theo quy định nên chưa thể xem là vợ chồng theo pháp luật Việt Nam. Được biết ông Afolayan Caleb là người mà bà Phạm Thị Ngọt (SN 1975, ngụ huyện Hóc Môn) tự nhận làm chồng, là người mà bà cho rằng là chủ nhân của 5 triệu Yên để quên trong thùng loa cũ. Tuy nhiên, những thông tin về ông Afolayan Caleb đã được phòng PA72, công an TP.HCM chủ động xác minh, làm rõ từ trước đây khá lâu.

Theo thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP.HCM cho hay, ngày 15/5 đơn vị này đã cung cấp cho công an Q.Tân Bình nhiều thông tin mới liên quan đến người đàn ông quốc tịch Nam Phi, có tên là Afolayan Caleb.Thượng tá Tiến cho biết, hồ sơ về người đàn ông có tên Afolayan Caleb mà phòng PA72 nắm giữ thể hiện, ông Afolayan Caleb nhập cảnh vào Việt Nam năm 2010, được công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi (trụ sở số 289 đường Trường Chinh, P.Tân Thới Nhất, Q.12) thuê làm giáo viên. Sau đó ông Afolayan Caleb được Sở LĐTB&XH TP.HCM cấp giấy phép lao động có thời hạn, từ 14/6/2010 – 14/6/2013.

Bà Ngọt, nhân vật xuất hiện phút 89 trong vụ 5 triệu yên. Ảnh: Trung Kiên
Bà Ngọt, nhân vật xuất hiện "phút 89" trong vụ 5 triệu yên. Ảnh: Trung Kiên


Từ giấy tờ của các cơ quan trên, ông Afolayan Caleb mang đến phòng PA72 làm việc và được cấp thẻ tạm trú có thời hạn đúng bằng thời hạn thể hiện trên giấy phép lao động.

Được biết, định kỳ phòng PA72 cử cán bộ đi xác minh về các trường hợp người nước ngoài mà đơn vị này cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam. Trong đó đặc biệt lưu ý đến những người gốc Phi. Bởi, trong nhiều năm qua, không ít những người gốc Phi nhập cảnh vào Việt Nam có những hành vi phạm pháp. Vào thời điểm đó, Afolayan Caleb, cũng nằm trong diện mà cán bộ phúc tra.

Tại trụ sở công ty Úc Đại Lợi như trong giấy tờ thể hiện, cán bộ công an xác định đây là công ty không có thật. Cụ thể tại địa chỉ trên, từ trước đến nay không có công ty nào tên Úc Đại Lợi. Còn người đứng tên đại diện pháp luật của công ty, là ông T.Q.M, cán bộ xác minh tại nơi đăng ký cư trú thì cũng không tìm được.

Xuân Ngọc