Hà Nội
Chỉ định mổ nang nhưng lại cắt túi mật
(Dân trí) - Bệnh nhân bị nang ống mật chủ, trong nang có sỏi và được bệnh viện Xanh Pôn chỉ định mổ. Nhưng chỉ đến khi nhận giấy chứng nhận phẫu thuật, bệnh nhân mới phát hoảng khi bác sĩ thông báo rằng đã bị cắt mất túi mật.
Mất mật mà vẫn… đau
Anh Phạm Hùng Thắng - bệnh nhân bị bệnh viện Xanh Pôn cắt túi mật tỏ ra bức xúc khi nói với chúng tôi về trách nhiệm và cách xử lý của Ban giám đốc bệnh viện này:
Ngày 26/11/2007, anh Phạm Hùng Thắng nhập viện đa khoa Xanh Pôn do bị đau ở vùng thượng vị. Bác sĩ cho nằm điều trị tại khoa B Ngoại tổng hợp. Qua quá trình khám, siêu âm (lần 1 tại bệnh viện Xanh Pôn, lần 2 tại dịch vụ 72 Nguyễn Thái Học) chụp cắt lớp vi tính, thử máu, chụp phổi bác sĩ trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết anh bị: nang ống mật chủ (OMC), trong nang có sỏi và cần phẫu thuật cắt nang OMC. Ngày 6/12/2007 anh Thắng lên bàn mổ, bác sỹ Đông, trưởng khoa Ngoại là người trực tiếp mổ, cách phẫu thuật là mổ phanh và cắt bỏ nang phải.
Chối bỏ trách nhiệm ?
Trong lá thư gửi bệnh viện Xanh Pôn ngày 26/3/2008, anh Phạm Hùng Thắng nêu ra một số câu hỏi về trách nhiệm của bệnh viện này. Ngày 2/4/2008, anh Thắng nhận được lá thư trả lời của bệnh viện do TS Nguyễn Thái Sơn - PGĐ bệnh viện ký trong đó vẫn khẳng định “chỉ định cắt túi mật là hoàn toàn hợp lý, kết quả giải phẫu bệnh lý là túi mật viêm mãn tính, nhiễm trùng”.
Với câu hỏi tại sao bác sỹ lại có thể nhầm giữa túi mật và nang sỏi, bệnh viện Xanh Pôn liệt kê ra 4 lý do: do vị trí nang ở sau tá tràng và tuỵ. Do vị trí dị dạng bẩm sinh của cổ và túi mật nằm đè lên cuống gan và ống mật chủ. Đặc biệt, theo giải thích của bệnh viện này là: “do máy và trình độ siêu âm của bác sĩ khác nhau và “Do thời điểm bệnh nhân đi siêu âm khác nhau” (?).
Trước câu hỏi của bệnh nhân về việc tại sao khi trước khi mổ chẩn đoán là nang sỏi nhưng khi mổ lại cắt túi mật, bệnh viện Xanh Pôn cho biết: ngoài việc cắt bỏ túi mật là hợp lý với những lý do nêu trên, việc “xử lý” đối với Nang OMC có 2 cách giải quyết: một là phẫu tích nâng toàn bộ tá tràng và đầu tuỵ để cắt nang và nối ruột tại đây. Do xác định phương án trên sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, phẫu thuật viên quyết định phương án 2 là để lại nang trên và sẽ phẫu thuật nội soi qua đường dạ dày.
Tuy nhiên do “hiện nay bệnh viện Xanh Pôn chưa có thiết bị để mổ theo phương án trên” nên cách giải quyết của bệnh viện Xanh Pôn là… làm giấy chuyển viện cho anh Thắng sang bệnh viện Việt Đức.
Về điều này, anh Thắng khẳng định: “việc phẫu thuật viên quyết định cắt túi mật mà không hề có một lời thông báo tới tôi và gia đình là điều không thể chấp nhận. Và nếu phẫu thuật viên thực hiện theo phương án hai như nêu ở trên thì tại sao trong giấy ra viện của tôi lại ghi rằng “bệnh nhân ổn định ra viện””.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: vụ việc đang được thanh tra Sở tiến hành kiểm tra, làm rõ. Dự kiến, ngày 12/5 tới đây sẽ có cuộc hội chẩn giữa một số chuyên gia y tế do thanh tra Sở tiến hành để làm rõ những bức xúc của bệnh nhân Phạm Hùng Thắng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này và cung cấp thông tin tới bạn đọc.
Phúc Hưng