1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chi cục Kiểm lâm “bác bỏ” bản án phúc thẩm có hiệu lực của TAND Cấp cao

(Dân trí) - Trước đề nghị xử lý kỷ luật những cán bộ làm sai, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dù bản án hành chính cấp phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật nhưng “đây là bán án không đúng quy định của pháp luật”.

Chi cục Kiểm lâm “bác bỏ” bản án phúc thẩm có hiệu lực của TAND Cấp cao - Ảnh 1.

Ông Đào Văn Phấn (Ảnh: PLVN).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 14/7/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hành chính về việc “Kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang”. Người khởi kiện là ông Đào Văn Phấn (SN 1963, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) và người bị kiện là Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang - ông Nguyễn Đức Tưng.

Theo nội dung bản án, năm 2012, ông Phấn có mua 18 đoạn gỗ nghiến tròn từ một người dân trú tại tỉnh Thái Nguyên rồi đem đến một xưởng chế biến gỗ để tiện lục bình. Tuy nhiên, sau khi toàn bộ số gỗ được tiện thành sản phẩm và phun sơn PU thì bị Đội Kiểm lâm cơ động - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang tạm giữ vì cho rằng đây là số gỗ bất hợp pháp.

Sau đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định xử phạt hành chính và tịch thu tang vật đối với ông Phấn.

Ông Phấn không đồng ý trước quyết định này vì cho rằng toàn bộ số lâm sản của ông có đầy đủ giấy tờ, thủ tục chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Vì vậy, tháng 7/2013 ông đã nộp đơn khởi kiện quyết định hành chính nói trên ra TAND tỉnh Tuyên Quang nhưng bị xử thua kiện.

Không chấp nhận bản án sơ thẩm, ông Phấn tiếp tục có đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã ra quyết định chấp nhận kháng cáo của ông Đào Văn Phấn, đồng thời hủy Quyết định số 14572/QĐ-XPHC ngày 27/3/2013 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang và Quyết định 232/QĐ-CCKL ngày 8/1/2013 của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang.

Từ cơ sở này, ông Đào Văn Phấn đã gửi đơn đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang “xem xét kỷ luật những cán bộ sai phạm làm trái pháp luật, gây phiền hà cho nhân dân; làm giảm niềm tin; gây thiệt hại tài sản vật chất, tinh thần của nhân dân”.

Chi cục Kiểm lâm “bác bỏ” bản án phúc thẩm có hiệu lực của TAND Cấp cao - Ảnh 2.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang có văn bản cho biết bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao là bán án không đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên trong văn bản trả lời đơn của ông Phấn mới đây, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang- ông Nguyễn Bảo Anh lại cho rằng, việc kiểm tra, lập hồ sơ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phấn (phạt tiền 15 triệu đồng về hành vi cất giữ lâm sản trái với các quy định của Nhà nước và tịch thu sung quỹ nhà nước 1,192 m3 gỗ nghiến/16 chi tiết lục bình đã cất giữ trái với các quy định của Nhà nước) là đúng luật.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, dù bản án hành chính cấp phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật nhưng “đây là bán án không đúng quy định của pháp luật”.

Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại vụ án theo trình tự quy định.

“Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ đã tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ vụ vi phạm đối với ông Đào Văn Phấn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục Kiểm lâm đối với ông Đào Văn Phấn là đúng quy định của pháp luật. Do vậy, không có căn cứ để xác định công chức Kiểm lâm có sai phạm trong xử lý vụ việc nêu trên” - văn bản nêu rõ.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 25/10, ông Phạm Văn Hà - Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định, bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao hoặc TAND cấp tỉnh chỉ có cơ quan cấp cao hơn mới có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm.

“Họ có quyền khiếu nại một bản án gửi lên trên một cấp (TAND Tối cao - PV). Còn khi trả lời công dân thì phải đúng mực, chuẩn về văn hóa pháp lý. Cách hành văn như vậy theo ý thức chủ quan của họ thôi”- ông Hà nói.

Nguyễn Trường