1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chỉ có 2 thẩm phán xét xử gây oan sai hoàn trả… 5 tháng lương cơ sở

Thế Kha

(Dân trí) - Sau khi bồi thường cho người bị oan, các tòa án tiến hành xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Những năm qua có 2 trường hợp thực hiện hoàn trả với số tiền là 5 tháng lương cơ sở.

Tại buổi tọa đàm của Bộ Tư pháp về những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vừa diễn ra, TS Phạm Thị Thanh Nga (Vụ I, TAND tối cao) đã có bài trình bày đáng chú ý.

Không áp dụng trách nhiệm hoàn trả với những người vô ý gây thiệt hại

Theo bà Phạm Thị Thanh Nga, từ khi áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đến nay, các tòa án đã thụ lý 25 vụ việc yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự mà trách nhiệm bồi thường thuộc về TAND; đã giải quyết xong 20 vụ với tổng số tiền bồi thường trên 50 tỷ đồng.

Trong đó, đã giải quyết một số vụ có số tiền bồi thường cao như bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén năm 2017 với số tiền 10 tỷ đồng, bồi thường cho ông Trần Văn Thêm năm 2018 khoảng 7 tỷ đồng, bồi thường cho bà Đặng Thị Nga và các con năm 2021 là 5,75 tỷ đồng.

Chỉ có 2 thẩm phán xét xử gây oan sai hoàn trả… 5 tháng lương cơ sở - 1

Ông Trần Văn Thêm (Ảnh: B.Đ).

Trong số những vụ việc đã giải quyết bồi thường, phần lớn đều liên quan đến những vụ án hình sự xảy ra nhiều năm trước, bản án kết tội đã bị tòa án cấp phúc thẩm hoặc tòa án cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra lại; sau đó, cơ quan tiến hành tố tụng để quên, làm thất lạc hồ sơ vụ án (vụ án ông Trần Văn Thêm xảy ra năm 1970, vụ án bà Đặng Thị Nga và hai con xảy ra năm 1989). Hoặc có những vụ việc hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm: Vụ án Hàn Đức Long ở tỉnh Bắc Giang, vụ án Nguyễn Viết Xuân và Hoàng Nam Khánh ở tỉnh Hà Giang…

Quá trình giải quyết bồi thường cũng có một số vụ việc kéo dài do sau khi có quyết định tố tụng xác định bị can không phạm tội nhưng vẫn còn có kiến nghị cần xem xét lại quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án đối với bị can vì cho rằng có sai lầm khi đình chỉ vụ án, bỏ lọt tội phạm. Đó là trường hợp của Trần Văn Khế ở tỉnh Trà Vinh, Nguyễn Duy Anh ở tỉnh Cà Mau và Ngô Văn Phán ở tỉnh Sóc Trăng…

Hoặc vướng mắc trong xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường, các khoản bồi thường cho người bị oan do pháp luật chưa quy định hoặc không rõ ràng, thiếu cụ thể: Vụ việc của ông Huỳnh Duy Hải ở tỉnh Bạc Liêu được tuyên không phạm tội năm 1989; vụ việc ông Huỳnh Văn Nén bị kết án trong hai vụ án, mỗi vụ bị kết án về hai tội, ba tội,…

Ngoài ra, theo bà Nga, trong 5 năm qua, TAND đã thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự tổng số 80 vụ việc về trách nhiệm bồi thường của nhà nước thuộc các lĩnh vực: Tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và quản lý hành chính. Các tòa án đã giải quyết xong 70 vụ án. Hầu hết các phán quyết của tòa án được các bên đương sự chấp nhận và tự nguyện thi hành và đến nay không có trường hợp nào phải giải quyết lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo đại diện TAND tối cao, sau khi bồi thường cho người bị oan, các TAND cũng tiến hành xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Những năm qua có 2 trường hợp TAND đã ra quyết định buộc thẩm phán đã xét xử oan phải thực hiện việc hoàn trả với số tiền là 5 tháng lương cơ sở.

Đối với những trường hợp khác, các tòa án đã báo cáo về TAND tối cao và Bộ Tư pháp để hướng dẫn xác định việc giải quyết trách nhiệm hoàn trả đối với những trường hợp có việc vô ý gây thiệt hại đối với những vụ án xảy ra trước khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực thi hành.

"Về trường hợp này, các cơ quan đã thống nhất xác định không áp dụng trách nhiệm hoàn trả đối với những người vô ý gây thiệt hại. Do vậy việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã được đình chỉ giải quyết", bà Nga thông tin tại hội nghị.

Bên cạnh chỉ đạo giải quyết những vụ việc giải quyết bồi thường cho người bị oan và tổ chức xem xét trách nhiệm hoàn trả, đại diện TAND tối cao cho biết cơ quan này còn tổ chức họp bàn trong Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, chủ động phối hợp họp liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương để giải quyết dứt điểm một số vụ việc kéo dài nhiều năm, có cách hiểu khác nhau về phạm vi áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, về cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường. Đó là các vụ yêu cầu bồi thường do việc kê biên tài sản ở tỉnh Bắc Ninh; vụ việc ông Trịnh Công Minh ở tỉnh Đắk Lắk và vụ việc bà Huỳnh Ngọc Bích ở tỉnh Sóc Trăng bị oan mà chậm giải quyết bồi thường…

Chỉ có 2 thẩm phán xét xử gây oan sai hoàn trả… 5 tháng lương cơ sở - 2

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày trở về với gia đình sau 10 năm ngồi tù oan (Ảnh: B.Đ).

Cần có cơ chế xác định rõ có giải quyết bồi thường hay không?

Đại diện TAND tối cao cho biết, thực tiễn áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại tòa án cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật. Số lượng các vụ việc loại này không nhiều nhưng lại phức tạp và nhạy cảm, luôn là vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Thực trạng hiện nay khi áp dụng luật vẫn còn gặp những khó khăn cần được nghiên cứu, giải quyết:

Thứ nhất, tồn tại một số vụ án hình sự xảy ra từ rất lâu, khi giải quyết bồi thường đã trên 30 năm nên hồ sơ, tài liệu còn rất ít, rất khó để xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường và các thiệt hại cần bồi thường.

Thứ hai, có những vụ án hình sự để quên chưa giải quyết dứt điểm để hết thời hạn điều tra, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, sau đó cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án không làm rõ được bản chất của vụ việc là oan.

Thứ ba, có một số trường hợp người bị oan trong thời kỳ cải cách ruộng đất, xuất trình được các bản án do TAND đặc biệt xét xử kết tội, sau đó được xác định không phạm tội.

"Chúng tôi thấy rằng cần có cơ chế xác định rõ có áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết bồi thường hay không?. Hiện nay còn có những cách hiểu không thống nhất về đối tượng được bồi thường, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết, các thiệt hại được bồi thường,…", bà Nga nêu quan điểm.