1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chi 500 triệu đồng để đưa một con voi về Đắk Lắk bảo tồn

Thúy Diễm

(Dân trí) - Đồng ý bàn giao con voi cho Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk thực hiện công tác bảo tồn, chủ voi đã được nhận 500 triệu đồng...

Ngày 23/11, ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk - cho biết đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để đưa một con voi ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) về Đắk Lắk chăm sóc, bảo tồn.

Chi 500 triệu đồng để đưa một con voi về Đắk Lắk bảo tồn - 1

Voi Rôk chuẩn bị được đưa về Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk để sinh sống trong môi trường tự nhiên (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo ông Phước, con voi được cứu hộ tên Rôk (30 tuổi). Khoảng 2 năm trước, Rôk được một người đàn ông ở Lâm Đồng mua lại của một đơn vị từ TPHCM.

Do môi trường chăn thả chật hẹp nên chủ voi có nguyện vọng bàn giao cho Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nuôi dưỡng, chăm sóc và có cuộc sống thân thiện với những con voi khác.

Được biết với việc bàn giao voi Rôk, chủ voi được nhận chi phí 500 triệu đồng. Khoản tiền này do Tổ chức động vật Châu Á (AAF) tài trợ.

Trước đó, cuối năm 2021, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cũng phối hợp AAF cứu hộ voi cái H'Blú (48 tuổi) thuộc sở hữu của một người dân tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk). Để đưa voi về, AAF đã tài trợ trên 620 triệu đồng cho chủ voi để trả chi phí chăm sóc, thuốc men cho voi trước khi mang về trung tâm sinh sống trong môi trường tự nhiên.

Tháng 11/2022, AAF đã tài trợ cho UBND tỉnh Đắk Lắk 55 tỷ đồng hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc, nhằm chấm dứt du lịch cưỡi voi, phục vụ du lịch quá sức để chuyển sang mô hình du lịch thân thiện cùng voi.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 37 con voi nhà, 80-100 con voi hoang dã, giảm 90% số lượng so với năm 1980. Đối với đàn voi nhà, chỉ có một vài con trong độ tuổi sinh sản và suốt 30 năm qua chưa ghi nhận trường hợp voi nhà sinh sản. Do đó, việc bảo tồn voi được chú trọng và nhận được sự quan tâm của người dân, chính quyền và các tổ chức quốc tế.