1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Làm gì để du khách đến Tây Nguyên không mua ngà voi, nhẫn lông voi?

Thúy Diễm

(Dân trí) - Du khách đến Tây Nguyên thường tìm mua các "đặc sản" từ voi hay thưởng thức các loài động vật hoang dã. Hành vi này vô tình tiếp tay cho nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Ngày 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) tổ chức tọa đàm "Truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam".

Làm gì để du khách đến Tây Nguyên không mua ngà voi, nhẫn lông voi? - 1

Nhiều du khách tới Đắk Lắk du lịch thường chọn cưỡi voi và mua các sản phẩm từ động vật hoang dã để làm trang sức (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo thống kê từ ENV, tỉnh Đắk Lắk là một trong những điểm "nóng" về tình trạng mua, bán lẻ các sản phẩm ngà voi. Với đặc thù là nơi phân bố của quần thể voi lớn nhất của Việt Nam và thường tổ chức các hoạt động du lịch gắn liền với voi nên khách du lịch Việt Nam và Châu Á có xu hướng mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại đây nhưng không biết đến những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra nếu thực hiện hoạt động này.

Tại buổi tọa đàm, Thiếu tá Nguyễn Thế Anh - Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết thời gian vừa qua, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh tiệm trang sức, đồ mỹ nghệ, cửa hàng bán đồ lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu giữ trên 2.000 các sản phẩm có liên quan như ngà voi, móng vuốt động vật… ; xử phạt 7 cơ sở kinh doanh với số tiền phạt trên 2 tỷ đồng.

Theo Thiếu tá Thế Anh, hiện nay du khách khi đến Đắk Lắk vẫn thường có tâm lý phải cưỡi voi một lần trong đời để "cho biết" và tìm mua nhiều "đặc sản" trang sức từ voi như ngà voi chế tác thành vòng, dây chuyền… hoặc tìm mua bằng được lông đuôi voi để có được "may mắn".

Điều đáng nói, hầu hết tại các khu du lịch vẫn bày bán nhiều sản phẩm thật, giả lẫn lộn từ voi và du khách liên tục được mời chào mua.

Làm gì để du khách đến Tây Nguyên không mua ngà voi, nhẫn lông voi? - 2

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh - Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk - thông tin về việc mua bán động vật hoang dã tại Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).

 "Nếu buôn bán dưới 300g ngà voi có thể bị phạt tiền 180-210 triệu đồng, thế nhưng không ít người mua bán ngà voi vẫn ngỡ ngàng trước mức xử phạt cao này. Chính vì vậy việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là vô cùng quan trọng. Đồng thời, việc ngăn chặn mua bán động vật hoang dã cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, ngành chức năng liên quan", Thiếu tá Anh nhấn mạnh.

Thiếu tá Thế Anh dẫn chứng thêm về việc có nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã. Theo đó, để có căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật thì buộc phải lấy mẫu đi giám định nhưng kinh phí dành cho mỗi lần giám định là rất cao dẫn đến nhiều khó khăn nhất định.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, phụ trách Chương trình Chính sách & Pháp luật (ENV) - kiến nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc để dừng hoạt động các cửa hàng kinh doanh các sản phẩm từ động vật hoang dã dù là thật hay chỉ là hàng giả.

Làm gì để du khách đến Tây Nguyên không mua ngà voi, nhẫn lông voi? - 3

Hàng nghìn những sản phẩm trang sức được chế tác từ ngà voi được cơ quan chức năng phát hiện (Ảnh: Uy Nguyễn).

"Nếu không có ai bày bán nữa thì người dân, du khách chắc hẳn sẽ không còn mua. Lâu dần việc này trở thành thói quen và khi đến với Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, du khách sẽ bỏ hẳn ý định mua những sản phẩm từ ngà voi, lông đuôi voi hay sản phẩm từ động vật hoang dã", bà Hà cho hay.

Bà Hà cho rằng, theo số liệu của ENV, từ năm 2018-2022, có hơn 1.400 hành vi vi phạm về động vật hoang dã tại Đắk Lắk. Lý do khiến việc mua bán diễn ra nhiều là vì mức lợi nhuận "khủng" từ việc mua bán trái phép mặt hàng quí hiếm này mang lại.

Do vậy, cần nâng cao nhận thức của người dân và sự vào cuộc quyết liệt, kiên quyết để đẩy lùi nạn mua bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã. Trong đó, khi phát hiện hành vi mua bán trái phép động vật hoang dã người dân cần gọi ngay đến đường dây nóng 18001522 để báo tin.