1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chết trong lúc bị tạm giữ, bồi thường tổn thất tinh thần 360 tháng lương

(Dân trí) - Người bị thiệt hại chết trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, chữa bệnh mà không phải do lỗi của chính họ hoặc tình thế cấp thiết thì thân nhân của họ được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần một khoản tiền bằng 360 tháng lương.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 19/2010 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.

Theo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), thực tiễn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những quy định của Thông tư liên tịch số 19. Cụ thể, một số quy định của Luật Trách nhiệm Bồi thường của nhà nước về phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa được Thông tư liên tịch số 19 hướng dẫn cụ thể khiến cho cơ quan, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường.

Một số trường hợp xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường chưa được Thông tư liên tịch số 19 hướng dẫn cụ thể hơn như trường hợp người thi hành công vụ là người do cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quản lý.

Theo Cục bồi thường Nhà nước, thực tế trong lĩnh vực quản lý hành chính đã phát sinh một số loại thiệt hại mà Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước chưa quy định rõ, đồng thời Thông tư liên tịch số 19 cũng chưa hướng dẫn cụ thể như chi phí mà người dân phải bỏ ra để khiếu nại, tố cáo để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc hiểu như thế nào là khoản lãi hợp pháp của khoản vay có lãi…

Nhà nước bồi thường khi nào?

Từ những căn cứ trên, Bộ Tư pháp đề xuất trong dự thảo thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 19 trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau: Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hoặc làm cơ sở để xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Theo dự thảo thông tư, nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại; trường hợp người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ. Việc xác định thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 308 và Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp người thi hành công vụ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại nhưng người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại gây ra.

Đối với thiệt hại về tài sản, trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh thiệt hại nhưng không có kết quả làm cơ sở cho việc tiến hành thương lượng việc bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể trưng cầu thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Chết trong lúc bị tạm giữ, bồi thường tổn thất tinh thần 360 tháng lương

Dự thảo cũng hướng dẫn về thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Theo đó, nếu người bị thiệt hại chết trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà không phải do lỗi của chính họ hoặc không do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì thân nhân của họ được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần một khoản tiền là 360 tháng lương tính theo mức lương cơ sở chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Nếu người bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh chết trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà do lỗi của chính họ hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì thân nhân của họ không được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật.

Khoản tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là khoản tiền bồi thường chung cho thân nhân của người bị thiệt hại (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại). Những người được bồi thường trong trường hợp này phải còn sống tại thời điểm người bị thiệt hại chết.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm