1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Chây ì di dời bãi cát "khủng" trong khu bảo tồn thiên nhiên

Trương Nguyễn

(Dân trí) - Dù bị xử phạt và được yêu cầu di dời bãi cát trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) nhưng công ty vi phạm vẫn chây ì không thực hiện.

Tháng 7/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) thực hiện dự án nạo vét lòng hồ thủy điện Krông H'Năng (huyện Ea Kar) với thời gian 5 năm.

Chây ì di dời bãi cát khủng trong khu bảo tồn thiên nhiên - 1

Được cấp phép nạo vét lòng hồ thủy điện nhưng doanh nghiệp tận thu cát với khối lượng "khủng" (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo phương án được phê duyệt, Công ty Sông Hồng sẽ thực hiện nạo vét cách tuyến đập thủy điện Krông H'Năng hơn 2.000m về thượng lưu, diện tích nạo vét khoảng 313ha với khối lượng trên 6,5 triệu m2.

Đối với các sản phẩm nạo vét như cát, đá, sỏi, theo quy định, Công ty Sông Hồng chỉ được tập kết tại 1 vị trí thuộc khu vực hồ Krông H'Năng, diện tích khoảng 22.600m2 (bãi 1).

Tuy nhiên, công ty đã tận thu cát với khối lượng "khủng" và để thuận lợi cho việc vận chuyển cát đi tiêu thụ, Công ty lấn chiếm rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTNT) Ea Sô với diện tích trên 11.000m2 (bãi 2).

Ông Lê Minh Tiến - Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô - xác nhận tại tiểu khu 634 nằm trong lâm phần rừng đặc dụng do đơn vị quản lý, Công ty Sông Hồng đã lén lút tập kết bãi cát trái phép.

Chây ì di dời bãi cát khủng trong khu bảo tồn thiên nhiên - 2

Công ty Sông Hồng ngang nhiên lấn chiếm đất rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để tập kết cát (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo ông Tiến, vào tháng 7/2022, khi phát hiện sự việc, đơn vị đã báo cho UBND huyện Ea Kar kiểm tra và xử lý việc tập kết cát trái phép.

Đến nay, sau gần 1 năm, Công ty Sông Hồng vẫn chây ì, không di dời bãi cát "khủng" tại Khu BTTN Ea Sô. Ông Tiến cho biết công ty đã nhiều lần xin chính quyền các cấp cho gia hạn việc di dời bãi tập kết cát.

Chây ì di dời bãi cát khủng trong khu bảo tồn thiên nhiên - 3

Các tàu thuyền vẫn ngày đêm hoạt động hút cát hết công suất (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo đó, vào tháng 10/2022, UBND huyện Ea Kar quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Sông Hồng 150 triệu đồng, vì hoạt động không đúng nội dung đã được cấp trong giấy phép.

Cụ thể, Công ty Sông Hồng tập kết 32.000m3 cát tại bãi tập kết chưa được cấp phép, lấn chiếm đất nông nghiệp là đất rừng đặc dụng tại Khu BTTN Ea Sô.

Chây ì di dời bãi cát khủng trong khu bảo tồn thiên nhiên - 4

Bị xử phạt và được yêu cầu di dời bãi cát trái phép nhưng Công ty Sông Hồng vẫn phớt lờ (Ảnh: Uy Nguyễn).

Với hành vi này, huyện Ea Kar yêu cầu Công ty Sông Hồng chấm dứt việc tập kết cát tại vị trí chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Phải thực hiện di dời toàn bộ số lượng cát đang tập kết tại bãi đi nơi khác, khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại diện tích đã lấn chiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Thời gian di dời được cho phép là 60 ngày.

Tuy nhiên, công ty đã nhiều xin gia hạn và được huyện Ea Kar cho phép. Cụ thể, ngày 17/2 vừa qua, UBND huyện ban hành quyết định gia hạn thời gian khắc phục hậu quả lần 2 cho Công ty và yêu cầu trả mặt bằng trước 10/4.

Quá thời hạn trên, Công ty Sông Hồng vẫn chây ì việc di dời bãi cát "khủng".

Gần đây nhất, ngày 14/4, UBND huyện Ea Kar quyết định gia hạn lần 3, yêu cầu công ty di dời toàn bộ bãi tập kết cát ra khỏi Khu BTTN trước ngày 25/5. Đồng thời, yêu cầu toàn bộ khối lượng cát vận chuyển ra ngoài phải được qua trạm cân, camera giám sát. Công ty phải thực hiện kê khai, báo cáo thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo đúng quy định của pháp luật.

Chây ì di dời bãi cát khủng trong khu bảo tồn thiên nhiên - 5

Phía đơn vị này còn sử dụng những con tàu cũ kỹ, hết hạn đăng kiểm để tận thu cát (Ảnh: Uy Nguyễn).

Không chỉ tập kết cát trái phép, Công ty Sông Hồng còn sử dụng một số tàu không còn hạn đăng ký đăng kiểm để thực hiện hút cát tại hồ Krông H'Năng.

Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk cho biết hiện Sở không quản lý phương tiện thủy nội địa nào của Công ty Sông Hồng. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định hiện hành, công ty phải đăng ký, đăng kiểm cho các tàu tham gia giao thông thủy nội địa. Nếu không đăng kiểm phương tiện tham gia giao thông thủy nội địa, sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.