Chạy đua với... siêu bão
(Dân trí) - Người dân có nhà tạm bợ, không kiên cố đã, đang được sơ tán đến những nơi an toàn. Nhà cửa của nhiều người dân được chèo chống gấp rút. Tàu thuyền được di chuyển khẩn trương nhất vào nơi tránh trú...
Tại Đà Nẵng, nhận thức bão Haiyan là siêu bão, mạnh hơn bão số 6 Xangsane 2006 từ 2 đến 3 cấp nên TP Đà Nẵng đã quán triệt với các địa phương phải rà soát kỹ lại các phương án sơ tán nhân dân, sơ tán người dân ở nơi không an toàn đến các nơi an toàn, kiểm tra kỹ mức độ an toàn nơi sơ tán đến.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, thành phố đã lên kế hoạch sơ tán 45.920 hộ với 162.388 nhân khẩu. Công tác sơ tán, di dời sẽ được tiến hành khẩn trương để hoàn thành trước 19h ngày 9/11. Phương án sơ tán theo phương châm “tại chỗ”, kêu gọi động viên người dân có nhà kiên cố tại địa phương cho người dân cùng tránh trú bão.
Tại quận Liên Chiểu có 60 điểm sơ tán bởi đây là nơi tập trung nhiều khu nhà trọ cho sinh viên và công nhân, bao gồm các điểm: Trường quân sự thành phố, Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng, Bệnh viện ung thư Đà Nẵng, trường bưu điện 2, kho K83 quân đội, trường ĐH Duy Tân. ..
Cũng trong ngày hôm nay, người dân hối hả mua sắm đồ, chèn chống nhà cửa để chuẩn bị ứng phó với bão.
Tại cuộc họp khẩn sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để lên phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, những nơi có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất. Dự kiến sẽ có hơn 6.000 hộ dân với hơn 27.000 nhân khẩu sẽ được di dời đến nơi an toàn.
Ngay sau cuộc họp khẩn, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương và hướng dẫn người dân ứng phó với bão số 14.
Các lực lượng vũ trang như Công an, Quân đội và Bộ đội Biên phòng cũng đã lên phương án ứng phó với bão và sẵn sàng huy động lực lượng giúp dân chằng, chống nhà cửa tránh bão.
Thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh có 7.501 phương tiện nghề cá với 24.733 lao động làm nghề.
Đến 16h ngày 9/11, đã có 7.355/24.266 vào nơi neo đậu an toàn; còn 146 phương tiện/467 lao đang trên đường vào nơi tránh trú bão.
Tính đến 16h ngày 9/11, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về siêu bão. Hiện các phương tiện trong vùng nguy hiểm đang về nơi tránh trú và thường xuyên giữ liên lạc với bờ.
Nằm trong đường đi của bãi Haiyan, Hà Tĩnh đang khẩn trương tổ chức các biện pháp để “chống đỡ” với cơn bão lịch sử này. Bắt đầu từ hôm nay (9/11), UBND tỉnh đã có cổng điện yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác triển khai công tác phòng chống bão số 14.
Ban PCLB tỉnh phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên ngành đã cho sơ tán dân cứ tại các vùng xung yếu tại các khu vực ven biên, vên sông, ven của sông, các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, nhà dân tại các khu vực nhà tạm, nhà cấp 4 có nguy cơ mất an toàn đến các nơi trú ẩn kiển cố đảm bảo tính mạng cho nhân dân.
Ngay trong chiều 9/11, ban PCLB và TKCN tỉnh cũng đã có công điện yêu cầu các huyện có nguy cơ bị lũ quét như và sạt lở như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh huy động lực lương di tán dân đến nơi an toàn trước 21h ngày 9/11 với sô lượng dân cư lên đến hơn 22.000 dân.
Tại huyện Lộc Hà, đến thời điểm này, số tàu thuyền đánh bắt trên biển vào trú ẩn an toàn tại âu tránh bão Thạch Kim, Thạch Bằng và các xã trên địa bàn huyện là 348 chiếc. Số tàu thuyền chưa về nơi trú ẩn tại đất liền 23 tàu với 131 lao động, huyện đang khẩn trương kêu gọi số tàu thuyền này vào nơi trú ẩn gần nhất.
Tại xã biển Thạch Kim (huyện Lộc Hà), trong chiều 9/11, người dân đã bắt đầu triển khai phương án di tán tài sản và người lên các vùng an toàn. Đến 17h ngày 9/11, toàn xã đã di dời được 125 hộ dân và tài sản ở các xóm xung yếu là Xuân Phượng và Long Hải lên các điểm kiên cố.
Khánh Hồng - Đăng Đức - Duy Tuyên - Phượng Vũ