Châu Âu hỗ trợ cải cách chính sách trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 30/3, hội thảo quốc tế “Trợ giúp pháp lý – một số kinh nghiệm của một số quốc gia Châu Âu và những vấn đề cần đổi mới, hoàn thiện tại Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý đã đến dự.

Đây là hội thảo được hỗ trợ thông qua chương trình đối tác tư pháp (JPP) do liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Thuỵ Điển đồng tài trợ, trên cơ sở phối hợp với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (CJRSC) và Bộ Tư pháp.

Bà Lê Thị Thu Ba, Phó Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho biết, trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách lớn trong tổng thể các chính sách xã hội của Nhà nước, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, là phương tiện cần thiết để người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ít có cơ hội tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý...

TS. Moling Ryan phát biểu tại hội thảo
TS. Moling Ryan phát biểu tại hội thảo

Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc đổi mới chính sách TGPL. Từ khi hệ thống tổ chức TGPL của Nhà nước được thành lập (năm 1997 đến nay) đã khẳng định TGPL là một chính sách hợp lòng dân nên nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thể chế, chính sách về TGPL được xây dựng và hoàn thiện. Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành năm 2006, văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết, thúc đẩy hoạt động TGPL.

TS. Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Việt Nam cũng giống như một số nước có Luật TGPL, trong đó quy định về người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL. Ngoài Luật TGPL, khi thực hiện TGPL còn áp dụng các luật khác có liên quan đến TGPL.

TS. Phạm Quý Tỵ phát biểu, ở Việt Nam Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về TGPL tại địa phương.
 
Các chuyên gia trong lĩnh vực TGPL của Châu Âu hỗ trợ cải cách chính sách TGPL ở Việt Nam
Các chuyên gia trong lĩnh vực TGPL của Châu Âu hỗ trợ cải cách chính sách TGPL ở Việt Nam

Theo đó, tổ chức TGPL gồm có: Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp, , các Trung tâm TGPL do UBND cấp tỉnh thành lập trực thuộc các Sở Tư pháp và các tổ chức tham gia TGPL bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp...

Theo TS. Phạm Quý Tỵ, để việc TGPL của Việt Nam phát triển thì cần tăng ngân sách cho hoạt động TGPL, nghiên cứu quy định người được TGPL cũng phải đóng góp một phần kinh phí cho việc được TGPL. Bên cạnh đó, cần có quy định cơ chế đánh giá chất lượng TGPL và thủ tục khiếu nại, giải quyết về chất lượng dịch vụ TGPL, đồng thời tăng cường cung cấp dịch vụ TGPL cho các vụ việc về tố tụng.

Thực tế cho thấy số lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng; số trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và đương sự từng bước được tăng lên.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã phổ biến nhiều kinh nghiệm của các nước, trao đổi thông tin về TGPL, trọng tâm là TGPL trong tố tụng hình sự; qua đó góp phần đổi mới, hoàn thiện công tác TGPL thời gian tới tại Việt Nam, từ mô hình tổ chức đến phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu mới. Trên cơ sở báo cáo về TGPL ở châu Âu, hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá kinh nghiệm của các nước Châu Âu, đề xuất khả năng vận dụng trong điều kiện Việt Nam.

TS. Moling Ryan (chuyên gia cao cấp về trợ giúp pháp lý đến từ Ai Len) đã trình bày một số vấn đề về vai trò của TGPL trong việc tiếp cận công lý ở Châu Âu như: Các nhân tố chính trong điều phối quốc gia về TGPL, khuynh hướng chung trong cải cách TGPL ở Châu Âu, tác động của án lệ của Tòa án Nhân quyền Châu Âu đối với việc cung cấp TGPL về việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế nếu phù hợp...

“Dịch vụ này có thể là dưới hình thức trợ cấp của Chính phủ để trả cho việc sử dụng luật sư hoặc được nhà nước cung cấp dưới hình thức hiện vật thông qua những người bào chữa công, trung tâm tư vấn pháp lý, trang web, dịch vụ tư vấn qua điện thoại”, TS. Moling Ryan phát biểu.

Cũng theo TS. Moling Ryan, TGPL chủ yếu dưới hình thức là sự hỗ trợ từ luật sư, Nhà nước. Đây là một công cụ để đạt được sự tiếp cận công lý cho công dân, do vậy chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi để người nghèo không ngần ngại tiếp cận với luật sư tư vấn, tiếp cận với các cơ quan Nhà nước để được TGPL.
 
Công Bính