1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chất vấn Giám đốc Sở GTVT, đại biểu nói TPHCM "nhiều sông nhưng trống đò"

Q.Huy Tâm Linh

(Dân trí) - Trong phiên chất vấn Giám đốc Sở GTVT, đại biểu đặt vấn đề, TPHCM đang có tình trạng "nhiều sông nhưng trống đò" khi nói đến giao thông, du lịch đường thủy, đường sông.

Sáng 11/7, kỳ họp lần thứ 10, HĐND TPHCM khóa X, bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong buổi sáng, các đại biểu sẽ thực hiện chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Sở Du lịch và Chủ tịch UBND quận 1.

Là người ngồi bàn chất vấn đầu tiên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT thành phố, cho biết, đây là lần thứ 2 ông được các đại biểu lựa chọn thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Thời điểm hiện tại, tình hình giao thông vận tải trên địa bàn vẫn đảm bảo duy trì phát triển kinh tế, đặc biệt thể hiện vai trò với vùng Đông Nam Bộ.

"Chúng ta vẫn là đầu mối giao thông lớn của cả vùng, cả nước. Thành phố có cảng biển, sân bay lớn nhất cả nước. Tình hình trật tự an toàn giao thông ngày càng được cải thiện", Giám đốc Sở GTVT TPHCM chia sẻ.

Chất vấn Giám đốc Sở GTVT, đại biểu nói TPHCM nhiều sông nhưng trống đò - 1

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, điều hành phiên chất vấn (Ảnh: Nam Anh).

Đại biểu vẫn băn khoăn về metro số 1

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 11) muốn Giám đốc Sở GTVT làm rõ về hình thức phát hành vé của tuyến metro số 1. Cụ thể, thẻ vé của tuyến có được tích hợp với các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác hay không.

"Tuyến metro này có chắc chắn hoàn thành cuối năm nay như đã cam kết hay không?", ông Trần Quang Thắng đặt câu hỏi.

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (huyện Cần Giờ) cho biết, dự án cầu Cần Giờ được HĐND thành phố bổ sung vào danh mục các dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025, dự án cũng được ghi vốn đầu tư từ năm 2022. Đại biểu đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm về ngày khởi công của cây cầu này.

"Đây là dự án trọng điểm để phát triển Cần Giờ, cũng là mong mỏi của Đảng bộ, nhân dân huyện Cần Giờ nhiều thời kỳ. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, họ đều hỏi khi nào cây cầu được khởi công", bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm gửi gắm.

Liên quan đến tuyến metro số 1, ông Trần Quang Lâm cho biết, đây là một trong những công trình trọng điểm Quốc gia, được Thủ tướng họp kiểm điểm, đánh giá tiến độ định kỳ hàng tháng, hàng quý. Hiện nay, dự án metro số 1 đã được tháo gỡ xong các vướng mắc về pháp lý và đang hoàn thiện các phần việc còn lại.

Chất vấn Giám đốc Sở GTVT, đại biểu nói TPHCM nhiều sông nhưng trống đò - 2

Toàn cảnh ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 10, HĐND TPHCM khóa X (Ảnh: Nam Anh).

"Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã báo cáo và cam kết thực hiện các giải pháp để đảm bảo tiến độ hoàn thành năm 2023. Thành phố cũng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đưa vào khai thác năm 2024", ông Trần Quang Lâm thông tin.

Đối với vấn đề thẻ vé, Ban Quản lý đường sắt đô thị và công ty quản lý, vận hành tuyến metro đang nghiên cứu, đánh giá các hình thức phù hợp. Thời điểm trước đây, hệ thống thẻ vé metro số 1 được đầu tư theo công nghệ đóng của Nhật Bản. Tuy nhiên, công nghệ đang thay đổi rất nhanh và người dân thành phố cũng mong muốn có công nghệ mở, tích hợp nhiều loại hình vận tải công cộng.

"TPHCM đang xem xét và thống nhất sử dụng ứng dụng công nghệ thẻ xe mở, như xu thế các nước trên thế giới đang áp dụng. Với hình thức mở, hành khách có thể thanh toán bằng điện thoại, thẻ tín dụng. Thành phố cũng hướng tới việc nghiên cứu giải pháp công nghệ, kỹ thuật quản lý để thẻ vé metro số 1 có thể tích hợp với các tuyến buýt, taxi, phương tiện đường thủy", Giám đốc Sở GTVT TPHCM phân tích.

TPHCM chưa phát huy hết tiềm năng sông nước

Đại biểu Lê Minh Đức (quận 11), nhìn nhận, quy hoạch phát triển GTVT TPHCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2007 và điều chỉnh năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, tình hình thực hiện các công trình kết nối vùng theo quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ với quy mô dân số, tương xứng với vị thế đầu tàu của vùng và cả nước.

Vị đại biểu này đặt câu hỏi cho các giải pháp của ngành giao thông để khắc phục vấn đề này và tháo điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chất vấn Giám đốc Sở GTVT, đại biểu nói TPHCM nhiều sông nhưng trống đò - 3

Đại biểu Lê Minh Đức (quận 11) đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở GTVT về vấn đề giao thông, du lịch đường thủy (Ảnh: Nam Anh).

"Liên quan giao thông đường thủy, đường sông TPHCM đang có tình trạng nhiều sông nhưng trống đò. Thành phố đã và đang có giải pháp gì thời gian tới", ông Đức nêu thực trạng.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định, phát triển du lịch, giao thông đường thủy được thành phố xác định là một trong những mục tiêu hàng đầu. Trong thực tế, giao thông thủy đóng vai trò lớn với việc chia sẻ hơn 20% lượng hành khách cho giao thông đường bộ.

Hiện tại, vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn phục vụ khoảng 60 triệu hành khách mỗi năm. Thành phố cũng có các tuyến giao thông thủy đi Vũng Tàu, Bình Dương, các tuyến ngắn và một số tuyến du lịch ven sông.

Chất vấn Giám đốc Sở GTVT, đại biểu nói TPHCM nhiều sông nhưng trống đò - 4

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, trả lời phần chất vấn (Ảnh: Nam Anh).

"Nếu hỏi thành phố đã phát huy hết tiềm năng giao thông đường thủy chưa, thì chúng ta phải phấn đấu rất nhiều. Để phát huy hết tiềm năng trên bến dưới thuyền, thành phố không chỉ cần dòng sông sạch đẹp, an toàn mà không gian 2 bên bờ cũng phải tập trung chỉnh trang", ông Trần Quang Lâm cho hay.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM nêu thực tế, để thu hút khách du lịch quốc tế đến 2 bên bờ sông Seine như hiện nay, Paris (nước Pháp) có lộ trình 15-20 năm phát triển. Đối với TPHCM, việc chờ đợi lâu như vậy là điều không thể.

Do đó, Sở GTVT và Sở Du lịch đã họp bàn giải pháp phát triển giao thông thủy. TPHCM đã lên kế hoạch từ nay đến năm 2025, ít nhất 5 tuyến giao thông thủy sẽ được hình thành về Bình Dương, Cần Giờ, khu Bến Đình - Bến Dược (huyện Củ Chi). Đồng thời, dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn cần có thêm khu neo đậu, các bến thuyền.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm