1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Chất vấn" đại biểu có câu chất vấn "hóc" nhất

(Dân trí) - Là một trong những đại biểu có các câu chất vấn “hóc” nhất cho Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư và Tài chính vào sáng nay, ông Võ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã được báo chí “vây” quanh để hỏi về tinh thần “dũng cảm”.

Ông Võ Hoàng Hà cho biết: “Tôi có suy nghĩ thế này: Đã là một đại biểu thì phải tham gia chất vấn và đã là chất vấn thì trong mọi tình huống, người chất vấn và người được trả lời chất vấn phải xem là bình thường”.

Rất hăng khi đứng trước nghị trường khảng khái nhận xét: “Bộ Kế hoạch và đầu tư chưa thấy trách nhiệm của mình mà đổ cho trách nhiệm của các thành viên khác là không được!” Không phải đại biểu nào cũng có được sự thẳng thắn như ông?

Trong cuộc họp Quốc hội, tôi là đại biểu được quyền chất vấn và các thành viên Chính phủ là người được quyền trả lời chất vấn. Nhưng sau cuộc họp, về mặt chính quyền thì tôi là người chịu sự lãnh đạo và các thành viên Chính phủ là người lãnh đạo nên về mặt nào đó cũng... ngại thật.

Tuy nhiên, đã là đại biểu Quốc hội thì phải nói thẳng, nói đúng thì mới là làm tròn nhiệm vụ. Mặt khác, khi người chất vấn xác định được động cơ và mục tiêu chất vấn là trên tinh thần hết sức xây dựng thì dù người được chất vấn là ai, kể cả là người đứng đầu chính phủ thì tôi cũng vẫn sẵn sàng!

Nếu xác định mục tiêu chất vấn, động cơ của chất vấn là moi móc, đao to búa lớn nhằm hạ uy tín của người được chất vấn là điều hoàn toàn sai lầm.

Người được chất vấn có thể hiểu được động cơ trong sáng hoặc không của người chất vấn, nhưng nếu phê bình thẳng thắn quá thì cũng có thể làm họ “nóng mặt”?

Tôi nghĩ, không ai luôn luôn đúng hoàn toàn và hai ông Bộ trưởng Tài Chính và Kế hoạch đầu tư cũng vậy. Thông điệp của các ông ấy đưa ra có sai sót, trả lời chưa được xác đáng và nhiệm vụ của đại biểu là chất vấn để các Bộ trưởng nhận ra những sai sót đó và điều chỉnh lại các nhận định, báo cáo của mình cho chính xác hơn. Có Bộ trưởng thì chưa hiểu hết câu hỏi nên không đi vào trọng tâm... và chất vấn chính là để các Bộ trưởng nhìn lại mình.

Trong phiên chất vấn hôm nay tôi thấy cả hai Bộ trưởng đều trả lời thẳng thắn và không né tránh.

Hôm nay, có lúc cả hội trường đã phải ồ lên vì cùng một dự báo nhưng mỗi Bộ trưởng lại đưa ra một con số khác nhau?

Bộ trưởng Tài chính nắm chắc hơn thì trả lời chính xác hơn và tôi nghĩ chuyện đó cũng không nên nặng nề quá. Vấn đề quan trọng là bản chất chứ không phải là độ chính xác tuyệt đối của các con số.

Nhưng cũng vì các con số khác nhau mà hai ông Bộ trưởng đã đưa ra những nhận định khác nhau. Ví dụ như nhận định về tập đoàn kinh tế?

Chuyện đó thuộc về trách nhiệm của hai ông trong nội bộ. Lẽ ra hai ông phải cùng ngồi lại với nhau trước khi trả lời thì có lẽ sẽ thống nhất hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Câu hỏi chất vấn của ông Vũ Hoàng Hà - Bình Định cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc, sáng 30/5

 

“Tôi thấy đồng chí Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng. Xung quanh vấn đề đánh giá tình hình kinh tế, xã hội thì ngay cả Bộ Chính trị và Thủ tướng cũng đã nói rất rõ là công tác dự báo, công tác dự kiến, các giải pháp ngay cả những thông tin, số liệu đưa ra để làm cơ sở hoạch định các chính sách cũng bị sai lệch. Như vậy thì trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và đầu tư mà người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và sử dụng các công cụ này đến đâu?

 

Trong khi đồng chí Bộ trưởng có trả lời nêu ra là tạo cho các đại biểu sẽ hiểu nhầm rằng Bộ Kế hoạch và đầu tư là dự báo tương đối chính xác còn việc không nghe là các thành viên Chính phủ khác. Như vậy thì trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ như thế nào?

 

Trong khi, nếu thấy các dự báo của mình tương đối chính xác thì phải thuyết phục và phải đưa ra các cơ sở dữ liệu mang tính tương đối chính xác để các thành viên Chính phủ phải nghe. Chứ không thì bây giờ lại đổ cho các thành viên Chính phủ và Thủ tướng, như thế thì tôi thấy trả lời như thế là chưa thật đảm bảo!”

 

Câu hỏi này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời như sau:

 

Nếu lúc đó dự báo không chính xác thì chúng tôi chịu trách nhiệm là dự báo chưa chính xác, nhưng không phải đây là đưa ra để bắt ai làm, để định hướng theo hướng phát triển như vậy!

 

Tôi không đổ nguyên nhân cho ai cả! Nếu về nguyên nhân của lạm phát thì Thủ tướng đã nêu và trong bản báo cáo của chúng tôi ở quyển màu xanh mà tôi ký, ở các trang 37, 38, 39 nói rất rõ...

 

Trong nguyên nhân chúng tôi cũng nói rất rõ, một là nguyên nhân khách quan, hai là nguyên nhân chủ quan. Có 3 nguyên nhân chủ quan, trong đó có vấn đề cơ cấu, có trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã nói rất rõ. Cơ cấu này là cả quá trình của chúng ta trong nền kinh tế chuyển đổi, chuyển đổi nghĩa là đang cơ chế kế hoạch hoá quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường thì có sự rơi rớt lại của cả những năm cũ còn lại, của cả hệ thống còn lại mà chúng ta phải gánh vác.

 

Trong đó Uỷ ban Kinh tế Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bây giờ phải chịu trách nhiệm về cả cơ cấu đó, chúng tôi không phủ nhận. Nguyên nhân chủ quan thì Chính phủ cũng thống nhất phải có một nguyên nhân trực tiếp, nhưng nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp, cơ cấu là cả một thời kỳ dài, tại sao năm 2006 không có, năm 2005 không có, năm 2004 không có mà bây giờ mới có! Có cái gì tác động trực tiếp vào, nguyên nhân trực tiếp là một số cái cụ thể chứ không phải đổ tại chính ngân hàng hay là cái gì cả!...

Lê Châu (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm