1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư:

Rất quyết tâm mới kìm được lạm phát ở mức 22%

(Dân trí) - Trong phiên chất vất Bộ trưởng Võ Hồng Phúc sáng nay, 30/5, vấn đề trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư trong công tác dự báo, cảnh báo tình hình kinh tế được các đại biểu "truy" nhiều nhất.

Các vấn đề về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, đầu tư “trái tay” của các tập đoàn… cũng được chất vấn rất sôi nổi.

“Chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả”

Đại biểu Nguyễn Hữu Hiền (Quãng Ngãi) mở đầu, trong số những nguyên nhân dẫn đến lạm phát hiện nay được nêu lên, có đề cập tới công tác thông tin dự báo thị trường chưa được tốt, vậy trách nhiệm của Bộ Kế hoạch đầu tư đến đâu?

Ông Võ Hồng Phúc đáp lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã nhận thấy vấn đề nguy cơ lạm phát từ cuối năm 2007. Để chứng minh cho điều này, ông lấy ra báo cáo của Bộ vào tháng 8/2007 và đọc lại cho các đại biểu. Theo đó, Bộ đánh giá tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng nợ tín dụng tăng cao hơn nhiều các năm trước và sẽ tác động đến giả cả năm 2007 cũng như những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, khi đưa vấn đề này ra thảo luận tại Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá như thế là “quá mức”.

Chưa hết, theo ông Phúc, vào tháng 8/2007, Bộ đã đánh giá, lạm phát 6,19% là quá cao và Thủ tướng đã có chỉ đạo nên hai tháng tiếp theo chỉ tăng thêm 1,1%. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, việc phối hợp giữa các ngành chưa tốt, thậm chí buông lỏng đã khiến chỉ số lạm phát tăng thêm 5%.

Đặc biệt, Bộ KH-ĐT đã dựa vào các con số của nước ngoài tính toán ra rằng, mức tăng tổng phương tiện thanh toán lên đến 47%. Thủ tướng chỉ đạo các ngành ngồi lại với nhau tính toán và tổng phương tiện thanh toán dù không lên đến 47%, nhưng cũng ở mức trên 43%. Con số này đã khiến Thủ tướng… giật mình!

Không đồng tình với việc Bộ KH-ĐT đã dự báo đúng nhưng các Bộ khác không nghe, đại biểu Võ Hoàng Hà xoáy tiếp, Bộ KH-ĐT không nên đổ lỗi cho các bộ khác mà lẽ ra khi thấy dự báo của mình đúng, Bộ phải thuyết phục các Bộ khác bằng cách đưa ra dữ liệu của mình”.

“Chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả”, ông Võ Hồng Phúc đáp lại. Theo ông, từ cảnh báo của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng đã chỉ đạo và các bộ ngành đã thực hiện chống lạm phát rất ấn tượng. Tuy nhiên, sau đó do quá lạc quan trong bối cảnh tăng trưởng tốt, thu hút đầu tư nhiều nên đã có sự sao nhãng khiến lạm phát lại bùng lên.

“Báo cáo của Chính phủ nói nguyên nhân cơ bản của lạm phát là cơ cấu, nhưng Bộ trưởng lại nói là tăng trưởng phương tiện thanh toán, tăng tín dụng”, đại biểu Trần Du lịch đặt ngược lại vấn đề. Theo ông Lịch, nếu cứ đổ cho ngân hàng và thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chẳng khác gì “giải khát bằng thuốc độc”.

Ông Võ Hồng Phúc lí luận, do đại biểu hỏi vấn đề cảnh báo ông mới trả lời như vậy. Ông đồng tình, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp, nhưng vấn đề quan trọng là cơ cấu và ở đây có trách nhiệm của Chính phủ, Bộ KH-ĐT.

“Đầu tư của tập đoàn, Thủ tướng cũng không can thiệp được”

Về vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) mở màn với câu hỏi về cơ sở đưa ra mức giảm từ 8,5-9% xuống còn 7%. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc “chỉnh”, chỉ tiêu đặt ra trong khoảng 7%, nếu điều kiện thuận lợi thì có thể cao hơn chứ không phải đóng cứng ở con số này.

Ông Phúc trình bày cụ thể, 5 tháng đầu năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp chỉ đạt 2,6% trong khi mục tiêu đặt ra ban đầu là trên 3,5%. Công nghiệp đến nay mới đạt 8,1% trong khi cuối năm 2007, mức tăng trưởng hơn 9%. Bộ trưởng KH-ĐT đưa ra dự báo, đến cuối năm, nông nghiệp có thể duy trì mức tăng 3% nhưng công nghiệp sẽ sụt giảm và dịch vụ thì rất khó khăn (chỉ khoảng 8%) nên chỉ tiêu chung chỉ đặt ra con số 7%.

Bà Phạm Thị Loan (đại biểu Hà Nội) tỏ ý nghi ngờ, với những biện pháp hạn chế đầu tư, thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát thì có nguy cơ tăng trưởng giảm rất nhiều, chưa chắc đã đạt mục tiêu vừa chỉnh sửa. Nếu như vậy, Bộ KH-ĐT và Chính phủ chịu trách nhiệm thế nào?

Bộ trưởng Phúc không trả lời thẳng. Ông chỉ khẳng định, chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu. Có đạt được mục tiêu hay không phụ thuộc vào quyết tâm thực hiện đồng loạt 8 giải pháp Chính phủ đã đề ra. “Tôi hy vọng sẽ khống chế được ở mức thấp nhất là 22% bởi kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Phải quyết tâm thật cao mới đạt mức này”, bộ trưởng nói.

Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) vẫn “bám đuổi” với câu hỏi về việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng có kéo theo thay đổi tỷ lệ lạm phát. Ông Tâm “đòi” con số cụ thể. Bộ trưởng Phúc than khó nêu con số, chỉ cố gắng kìm giữ ở tỷ lệ thấp nhất có thể.

Chuyển sang vấn đề đầu tư, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề cập việc các tập đoàn, TCty nhà nước đổ vốn sang các lĩnh vực không thuộc nhiệm vụ của mình. Ông Thuyết đặt vấn đề trách nhiệm quản lý của Bộ KH-ĐT khi để đầu tư dàn trải.

Rất quyết tâm mới kìm được lạm phát ở mức 22% - 1
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Vốn của tập đoàn, TCty cũng là vốn của nhà nước, nếu rủi ro, ai chịu trách nhiệm?" (Ảnh: Cấn Cường)
 
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phân trần là do cơ chế “trao quyền tự chủ”, HĐQT của các công ty, tập đoàn này có quyền đưa ra quyết định đầu tư cho đơn vị mình mà Thủ tướng Chính phủ cũng không can thiệp được. Đã là tập đoàn thì phải kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nhưng “cái khó” là lại chưa đa sở hữu. Ông Phúc xác nhận mô hình tập đoàn “một chủ duy nhất” rất nguy hiểm.

Đại biểu Thuyết vẫn chưa chịu. Ông gay gắt: “HĐQT quyết định đầu tư, Thủ tướng không can thiệp được. Nhưng nguồn vốn tập đoàn, TCty là vốn nhà nước chứ không phải của riêng các vị trong HĐQT. Bộ Tài chính thì nói trách nhiệm thuộc Bộ KH-ĐT, nay bộ trưởng lại bảo quyền thuộc HĐQT thì chúng tôi quả không biết “truy” người nào”.

Ông Phúc “rắn” giọng, cho rằng Bộ KH-ĐT chỉ chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp hoạt động. Còn việc quản lý vốn nhà nước thế nào thì thuộc Bộ Tài chính.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu con số, năm 2007, 16 tập đoàn kinh tế đã đầu tư vào những lĩnh vực nóng: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản - những lĩnh vực dịch vụ phi sản xuất với số tiền 15.000 tỷ đồng. Việc “đá ngang” này, nếu rủi ro thì ai chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhắc lại, việc thành lập tập đoàn kinh tế là đúng nghị quyết của Đảng. Bộ KH-ĐT cũng đang xây dựng cơ chế quản lý, tháng 7 tới trình Thủ tướng. “Hiện, chúng ta chưa có cơ chế nhưng đã thành lập ngay các tập đoàn”, ông Phúc xác nhận.

Cấn Cường- Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm