1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chặt rừng phòng hộ làm... củi!

(Dân trí) - Khoảng 600 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển là rừng chắn gió chắn cát hữu hiệu cho thành phố biển Tuy Hoà (Phú Yên). Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, những khu rừng phi lao này đang dần biến mất bởi sự tàn phá vô tội vạ của nhiều người dân.

Chặt rừng phòng hộ làm... củi! - 1
Nhiều diện tích rừng phòng hộ đã bị chặt phá
 
Sau đợt mưa lũ kéo dài cuối tháng 11 qua, việc thiếu chất đốt đã khiến rất nhiều người chặt trộm rừng phi lao về làm củi. Hàng ngày, khoảng trước 5 giờ sáng nhiều người lẻn vào rừng phi lao để chặt cây, bẻ nhánh, phơi khô tại chỗ, sau vài ngày sẽ đến mang về. Nếu bị phát hiện họ nói rằng đây là những cây, nhánh đã chết khô nên tận dụng để làm chất đốt cho gia đình.

Trước đó, năm 2009, sau trận bão lũ lịch sử, nhiều người dân lấy cớ khai thác cây bị ngã đổ do bão đã chặt phá vô tội vạ cánh rừng phòng hộ. Thời điểm đó là đợt khai thác cao điểm nhất, rất nhiều cây đã bị chặt hạ và tập kết ngay trên trên các tuyến đường Hùng Vương, đường Độc Lập đi Long Thuỷ (An Phú, Tuy Hoà).

Đặc biệt, hiện nay diện tích rừng phòng hộ được cấp cho các chủ dự án sử dụng mục đích khác, khi triển khai xây dựng các chủ dự án đã khai thác và bán cây cho các đối tượng mua gom. Các đối tượng này sau khi đã khai thác xong diện tích rừng cho phép đã chặt "lấn" sang diện tích các khu rừng lân cận khiến rừng phòng hộ bị xâm hại nặng nề hơn.

Hiện xã Bình Kiến và phường 9 là 2 địa bàn có khu rừng phòng hộ bị tàn phá nặng nhất. Từ đường nhựa đi sâu vào khoảng vài ba trăm mét là thấy ngay những cây dương hàng chục năm tuổi bị cưa sát gốc còn hằn vết nhựa, có cây vết cưa mới tinh, nhựa vẫn còn rỉ ra.

Ông Nguyễn Đồng Minh, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Kiến 2, đơn vị quản lý 200 ha rừng phòng hộ ven biển, bức xúc: Nhiều đối tượng phá rừng dùng cả cưa lốc và xe cơ giới để vận chuyển và có hành vi thách thức lực lượng làm công tác bảo vệ rừng tại địa phương.

Còn ông Trần Đình Quang, Chủ nhiệm hợp tác xã 2 (Phường 9), đơn vị quản lý 183 ha rừng phòng hộ ven biển Tuy Hòa thì cho biết: Công tác bảo vệ rừng ven biển hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Hiện hợp tác xã phải tự bỏ kinh phí để thuê người bảo vệ, với một công bảo vệ 1.200.000đồng/tháng, phụ trách đến gần 100 ha rừng thì rõ ràng sẽ khó giữ được rừng.

Theo ông Minh: Riêng diện tích rừng thuộc phạm vi HTX Bình Kiến có ít nhất 20% cây rừng đã bị chặt trộm. Với tình trạng quản lý lỏng lẻo, lực lượng mỏng như hiện nay, con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Rừng phòng hộ ven biển Tuy Hoà sẽ tiếp tục bị chặt phá và có nguy cơ biến mất.  

Khánh Hằng