1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Chặt phá hàng chục héc ta rừng phòng hộ để trồng keo

(Dân trí) - Thời gian gần đây, hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị chặt phá không thương tiếc. Điều đáng nói, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ trên địa bàn diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng cơ quan chức năng dường như không hề hay biết (?).


Hàng chục ha rừng phòng hộ ở xã Kỳ Tân bị tàn phá.

Hàng chục ha rừng phòng hộ ở xã Kỳ Tân bị tàn phá.

Khi rừng phòng hộ biến thành đồi trọc

Sự việc rừng phòng hộ (RPH) bị tàn phá diễn ra tại địa bàn xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Theo phản ánh của người dân, thì hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 867 thuộc địa bàn xã này bị xâm hại nghiêm trọng. Lâm tặc đã ngang nhiên chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn để lấy gỗ, củi rồi sau đó đốt và trồng keo.

Sau khi tiếp cận hiện trường tại dãy núi Khu Gạo thuộc tiểu khu 867 - nơi giáp ranh giữa rừng của xã Kỳ Tân với các xã Tây Thành và Quang Thành (huyện Yên Thành), PV chứng kiến hàng chục héc ta rừng phòng hộ với nhiều cây gỗ như dẻ, dổi, trường… có đường kính khá lớn bị đốn hạ không thương tiếc.

Nhiều cây lớn bị chặt hạ không thương tiếc.
Nhiều cây lớn bị chặt hạ không thương tiếc.

Đặc biệt, có một số cây có đường kính khoảng từ 40 - 50cm cũng bị cưa sát đất một cách không thương tiếc.

Ông Đào Văn M., xóm 1, xã Kỳ Tân biết: “RPH trên địa bàn được người dân chúng tôi bảo vệ và chăm sóc đã nhiều năm nay. Vậy mà không hiểu lý do gì lại bị chặt phá một cách không thương tiếc như vậy. Đặc biệt, chúng tôi được biết có một số người dân của huyện Yên Thành và một nhóm người địa phương ngang nhiên vào đây chặt phá, sau đó đốt để trồng keo... Điều đáng buồn hơn là sự việc diễn ra trong một thời gian dài, dù đã được báo cáo lên chính quyền địa phương nhưng không thấy họ giải xử lý...”.

Ông M. cũng cho biết thêm, tình trạng RPH đã bị phá từ khoảng tháng 9/2016 đến nay và số diện tích càng gia tăng, chủ yếu phá rừng để để trồng keo.

Cơ quan chức năng có tiếp tay dân phá rừng?

Tình trạng người dân phá hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 867 thuộc địa phận xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ đã diễn ra gần 1 năm nay nhưng đến nay không một cơ quan chức năng nào quyết liệt xử lý.

Theo thống kê của UBND xã Kỳ Tân, số diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá là 87,3ha. Khi nắm bắt được sự việc, chính quyền xã đã nhiều lần vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, “lâm tặc” vẫn ngang nhiên đốn hạ cây lớn, triệt hạ cây nhỏ… khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc...


Tình trạng chặt phá kéo dài nhưng hầu như cơ quan chức năng xử lý chưa dứt điểm.

Tình trạng chặt phá kéo dài nhưng hầu như cơ quan chức năng xử lý chưa dứt điểm.

Ông Hoàng Văn T., trú xóm 1, xã Kỳ Tân chủ rừng bức xúc: “Tôi nhận khoán bảo vệ 8,4ha rừng phòng hộ nơi đây. Nhưng suốt 2 năm qua, không hiểu sao “lâm tặc” từ đâu đến ngang nhiên chặt phá rừng của tôi. Nhiều lần tôi bắt gặp họ phá rừng, tôi yêu cầu họ dừng lại nhưng họ vẫn ngang nhiên chặt phá. Tôi có báo lên chính quyền địa phương và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ nhưng không ăn thua... Hiện tại số diện tích rừng phòng hộ do tôi quản lý bây giờ thành diện tích trồng keo rồi...”.

Chúng tôi đem vấn đề trên trao đổi với ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân. Ông Đông cho rằng dù cấp dưới đã báo cáo lên cấp trên nhưng không được các cấp liên quan mạnh tay xử lý.

Đường tuần tra trở thành con đường vận chuyển gỗ sau khi chặt phá.
Đường tuần tra trở thành con đường vận chuyển gỗ sau khi chặt phá.

“Thời gian qua, rừng phòng hộ tại xã tôi quản lý bị lâm tặc phá gần hết. UBND xã đã nhiều lần báo cáo lên Ban Quản lý rừng phòng hộ, Kiểm lâm huyện và UBND huyện nhưng họ không có biện pháp nào giải quyết dứt điểm. Hiện số diện tích rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã ngày càng bị thu hẹp”, ông Đông nói.

Trong khi đó, ông Cao Tiến Hạnh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ giải thích: Việc phá rừng phòng hộ tại xã Kỳ Tân đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng do các cấp, các ngành không vào cuộc quyết liệt nên rất khó xử lý dứt điểm...

Keo đã lớn được trồng sau khi RPH bị tàn phá.
Keo đã lớn được trồng sau khi RPH bị tàn phá.

Ông Nguyễn Hải Âu - Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục kiểm lâm Nghệ An cho biết cũng đã nắm được tình hình này là khá phức tạp. Theo đó, tại địa bàn xã Kỳ Tân tình trạng chặt phá rừng phòng hộ diễn ra từ năm 2006 đến nay.

“Mới đây nhất chúng tôi đi kiểm tra chỉ phát hiện khoảng 2ha rừng bị xâm lấn và chặt phá trái phép. Vị trí kiểm tra thuộc lô 13, 20, 16, 19 tiểu khu 867, với tổng diện tích bị chặt phá hơn gần 2ha. Trạng thái rừng chặt phá là rừng thường xanh, phục hồi. Các loại cây bị chặt phá như dẻ, mộc chân chim, thành ngạch có đường kính từ 10 đến 30cm...”, ông Âu nói.

Hiện nay theo báo cáo của UBND xã Kỳ Tân thì diện tích RPH bị tàn phá là 87,3ha.
Hiện nay theo báo cáo của UBND xã Kỳ Tân thì diện tích RPH bị tàn phá là 87,3ha.

Được biết, theo điều tra ban đầu của Chi cục kiểm lâm Nghệ An, các đối tượng chặt phá chủ yếu là các hộ dân thuộc huyện Yên Thành sang xâm lấn, phá rừng để trồng keo. Hiện nay, các hộ dân ở huyện này đã tự ý mở đường từ Yên Thành sang phần đất do Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ quản lý nhưng không được chủ rừng kiểm tra, ngăn chặn.

PV đặt câu hỏi: Số liệu do UBND xã Kỳ Tân cung cấp diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá là 87,3ha chứ không phải gần 2ha như báo cáo của Chi cục Kiểm lâm?

Tuy nhiên, khi cơ quan cấp trên đi kiểm tra thì chỉ phát hiện khoảng 2h bị chặt phá chủ yếu là cây nhỏ...
Tuy nhiên, khi cơ quan cấp trên đi kiểm tra thì chỉ phát hiện khoảng 2h bị chặt phá chủ yếu là cây nhỏ...

Ông Nguyễn Hải Âu cho hay: “Đây là số liệu rừng phòng hộ trên địa bàn xã Kỳ Tân bị phá từ những năm trước đó đến nay, chứ không có chuyện mới chặt phá đâu...”.

Dư luận cho rằng vụ việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại địa bàn xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được các cơ quan chức năng liên quan xử lý kịp thời. Phải chăng do năng lực quản lý rừng của các cấp ngành yếu kém, hay có sự bao che cho việc phá rừng phòng hộ nơi đây? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi về UBND tỉnh Nghệ An và các ngành liên quan.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An thì từ năm 2014 đến nay trên vùng giáp ranh giữa huyện Tân Kỳ và Yên Thành (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đã xảy ra xâm lấn đất rừng. Các hộ dân xã Tây Thành, Quang Thành thuộc huyện Yên Thành lén lút sang xâm canh rừng trái phép. Tổng diện tích xâm canh tính đến thời điểm này là hơn 102ha. Trong đó diện tích xâm canh trước năm 2010 đã được người dân trồng keo là hơn 50ha; diện tích mới xâm canh trong năm 2016 - 2017 là trên 51ha... Hiện trạng rừng bị xâm lấn là rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ quản lý.

Báo cáo của UBND xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ ngày 20/6/2017 toàn xã này có gần 730 ha rừng phòng hộ. Tất cả số diện tích rừng trên đều được giao khoán cho các hộ dân khoanh trồng và bảo vệ... Đến nay số diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá lên đến hơn 87 ha.

Nguyễn Duy