1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Chặt nhầm cây dân trồng trong rừng đem bán?

Công Bính

(Dân trí) - Khi thu gom cây gãy đổ sau bão số 9 năm 2020, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã chặt nhầm cây keo, tràm của người dân trồng trong khu vực rừng phòng hộ rồi đem… thanh lý.

Khi phát hiện sự việc này, người dân đã báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi hai bên làm việc lại, những hộ dân bị chặt nhầm cây đã đồng ý không khiếu nại nữa.

Chặt nhầm cây dân trồng trong rừng đem bán? - 1

Những gốc keo 20 năm bị đổ do bão đã được dọn dẹp, cưa gốc.

Theo ông N.T.B. (62 tuổi, ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên), ông có 2ha đất trồng keo xen kẽ xà cừ. Số cây này được gia đình ông trồng từ năm 1994. Tuy nhiên sau đó khu vực này được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan của khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn nên bị cấm khai thác.

Các hộ dân thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú) cho biết, cách đây 20 năm, người trong thôn trồng số lượng lớn xà cừ và keo ở khu vực gần đường dẫn vào khu di tích Mỹ Sơn. Sau này, toàn bộ diện tích trồng cây này của bà con được quy hoạch trở thành rừng phòng hộ do nhà nước quản lý. Từ đó, người dân không được phép khai thác đối với cây do mình trồng.

Người dân cho rằng, sau bão số 9/2020, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn lại tự ý đốn hạ cây ở rừng phòng hộ và đem bán. Điều này khiến người dân bức xúc và báo cáo lên UBND huyện Duy Xuyên.

Chặt nhầm cây dân trồng trong rừng đem bán? - 2
Chặt nhầm cây dân trồng trong rừng đem bán? - 3

Nhiều cây keo, tràm bị ngã đổ do bão số 9 hiện còn nằm ngổn ngang

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau bão số 9/2020, Ban Chấp hành Công đoàn Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn có kế hoạch dọn dẹp cây gãy đổ, thanh lý cây có nguy cơ gãy đổ do bão và cắt tỉa trồng cây thay thế dần cây bản địa dọc 2 bên đường vào khu di tích Mỹ Sơn.

Ban Chấp hành Công đoàn Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, việc cắt tỉa không làm ảnh hưởng, hư hại đến các công trình cơ sở hạ tầng và cây trồng tại rừng.

Vướng mắc sâu xa của việc này, theo tìm hiểu của phóng viên, người dân bức xúc vì trước đây tỉnh Quảng Nam đưa một số diện tích rừng keo, tràm trồng của người dân ở khu vực Mỹ Sơn vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Do là rừng phòng hộ, người dân không thể khai thác được. Sau đó Ban quản lý Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn thu dọn cây đổ do bão và có chặt nhầm một số cây keo của người dân nên người dân đã tố cáo.

Chặt nhầm cây dân trồng trong rừng đem bán? - 4

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, các loại cây keo, tràm trên lối vào khu di tích đã được chặt để trồng cây bản địa có tuổi thọ cao và vững chắc hơn

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn - cho hay, cơn bão số 9 năm 2020 ảnh hưởng trực tiếp đến khu di tích, tàn phá gây gã đổ, hư hại một số cây cối ở khu vực di tích.

Trong đó có số cây keo lá tràm do công đoàn của đơn vị trồng dọc trên các tuyến đường nội bộ đi vào di tích có tuổi thọ trên 20 năm. Thực tế, nhiều năm qua các cây keo này cũng nhiều lần gây nguy hiểm cho du khách và vật dụng kiến trúc công trình.

"Đơn vị chưa có kế hoạch khai thác mà tổ chức trồng các loại cây như sao đen, lim xanh, lác hoa… trước khi xử lý. Tuy nhiên, cuối tháng 10 đầu tháng 11/2020, cơn bão số 9 đã gây ngã đổ số lượng cây keo này ảnh hưởng đến lối đi, công trình kiến trúc, tài sản cơ quan và đặc biệt là nguy hại đến di tích", ông Phan Hộ cho biết.

Theo ông Phan Hộ, để khắc phục nhanh hậu quả bão số 9 gây ra, trả lại lối đi và nguyên trạng cảnh quan để du khách tham quan du lịch thời gian trước Tết Tân Sửu năm 2021, Ban Quản lý thống nhất giao trách nhiệm cho công đoàn cơ quan tổ chức thu dọn các cây ngã đổ (do nguồn gốc cây trồng từ công đoàn).

Việc thu gom cây ngã đổ, ông Hộ cho rằng đơn vị cũng tận thu kinh phí thu được trả nhân công và tổ chức phát động trồng các loại cây trồng lâu năm trồng thay thế. Thực hiện chủ trương, Công đoàn Ban Quản lý đã khảo sát tổng cộng gần 100 cây keo lớn nhỏ, lập kế hoạch, hợp đồng nhân công tổ chức thu dọn.

"Trong quá trình thực hiện có sai sót là đơn vị hợp đồng thu dọn lại thu gom nhầm lẫn một số cây ngã đổ của các hộ dân bên cạnh. Dẫn đến các hộ dân bức xúc phản ánh, Ban Quản lý cùng với các hộ dân bàn bạc cách khắc phục và đến nay không có khiếu nại nào", ông Phan Hộ nói.

Lãnh đạo Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, trong những năm qua, do ý thức về lợi ích của rừng cảnh quan tác động quan trọng đến việc phát huy di tích, nên không có lý do hay lợi ích nào mà Mỹ Sơn phá đi nguồn sống của đơn vị mình nên không những luôn nỗ lực gìn giữ rừng, mà hàng năm đơn vị trồng bổ sung một lượng lớn cây bản địa nhằm khôi phục rừng cảnh quan làm cho rừng Mỹ Sơn được gìn giữ và đa dạng về sinh học như hiện nay.

"Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn hoàn toàn không có chủ trương khai thác rừng hoặc chặt phá rừng đi bán mà đó là quá trình nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ gây ra, hạn chế thiệt hại trong phục vụ du lịch vốn đã rất khó khăn của đơn vị", ông Phan Hộ khẳng định.