1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chặt cây, lấp sông đều chạm đến tâm tư nhiều người”

(Dân trí) - Chủ trì họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 1/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chia sẻ, qua 2 vụ việc chặt cây xanh ở Hà Nội và lấp sông ở Đồng Nai dư luận cùng phản ứng, có thể rút ra nhiều bài học về pháp lý, quản lý…

Về chuyện chặt cây tại Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, nhận báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo khẩn trương thanh tra, xử lý việc này.

Việc chặt hạ, thay thế cây xanh của TP Hà Nội không được dư luận đồng tình, gây bức xúc xã hội. Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng triển khai kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ để có biện pháp xử lý theo quy định.

UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua và đề xuất các giải pháp xử lý. Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội trước hết phải khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Về việc tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp lấn sông Đồng Nai để xây dựng dự án khu đô thị ở thành phố Biên Hòa gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; đề xuất xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.

Các Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đang tích cực triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định dừng triển khai dự án này để thẩm định tính pháp lý và đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án.

Trên cơ sở báo cáo của các Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng sẽ có ý kiến về việc này.

Từ cả 2 câu chuyện diễn ra tại Hà Nội và Đồng Nai, báo giới đặt vấn đề, quy trình lấy ý kiến người dân khi thực hiện những dự án tác động lớn tới môi trường, cộng đồng đã không được thực hiện. Có lợi lích cục bộ của địa phương và các đơn vị triển khai?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đáp, mỗi vụ việc, Thủ tướng đều đã có hướng chỉ đạo kiểm tra, xem xét để xác định điểm đúng – sai, xác định căn cứ xử lý theo quy định.

“Vấn đề rút ra sau những sự việc này là một bài học rất lớn, trước hết là về mặt pháp lý” – người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.

Đối với đề án thay thế cây xanh của Hà Nội, ông Nên khẳng định, chủ trương là hoàn toàn đúng nhưng việc triển khai chưa chuẩn. Thành phố đã nhận ra việc này sau khi có phản ứng từ dư luận và dừng lại kịp thời.

Công tác thanh tra cũng sẽ đi vào những khía cạnh dư luận đặt ra như việc nhiều phóng viên thậm chí đã lặn lội đến nhiều nơi để tìm hiểu nhiều vấn đề như gỗ cây sau khi chặt đưa đi đâu, cây trồng thay thế thực sự là loại nào… Bộ trưởng Nên quả quyết, thanh tra chắc chắc xem xét cả khía cạnh này trên quan điểm, việc quản lý cây xanh của Thủ đô do luật Thủ đô điều chỉnh. Chỉ qua thanh tra, kiểm tra mới xác định được các khía cạnh đúng – sai.

Về mặt quản lý, qua sự việc, ông Nên phân tích, có thể thấy, bất cứ vấn đề gì liên quan đến người dân, cộng đồng thì phải lấy ý kiến người dân theo quy chế dân chủ mà pháp luật đã quy đinh. Cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra lại xem quy trình này có chỗ nào làm chưa đúng. Bước đầu có thể thấy, có những quy định Hà Nội làm chưa chặt chẽ, như báo chí đã đăng tải.

“Ngoài ra, xét về yếu tố hợp lý, việc nghiên cứu để trồng thay thế 1 loại cây phù hợp cho thành phố đẹp hơn là rất tốt nhưng như dư luận phản ánh thì có thể thấy, đã có những quyết định, lựa chọn không hợp lý. Cái cây tồn tại lâu năm bên cạnh con người thì cũng có hồn riêng của nó nên cần phải hỏi lại ý kiến người dân vì việc chặt hạ không chỉ là cái cây mà còn là tâm tư, là tình cảm, là ký ức… của nhiều người ở đó” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Liên hệ với việc lấp sông ở Đồng Nai, ông Nên cho rằng, vấn đề đặt ra cũng tương tự. Cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia xem việc kè một phía bờ sông như vậy cần lấy ý kiến ai, tham vấn cơ quan, bộ, ngành nào. Việc can thiệp đến dòng sông thậm chí không chỉ liên quan đến một địa phương có dự án mà còn chi phối cuộc sống của tất cả mọi người sinh sống trên lưu vực sông.

Nhấn mạnh nguyên tắc, việc sai sót ở cấp nào thì cấp đó sẽ xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chốt lại: “Là người quản lý, chúng tôi thấy qua 2 vụ việc rút được rất nhiều bài học có giá trị, khi triển khai bất cứ vấn đề gì, dù ta nghĩ là đúng nhưng có ý kiến không đồng thuận của số đông, của quần chúng thì nhất quyết phải dừng lại, xem xét, nếu sai thì sửa với tinh thần thật sự cầu thị”.

P.Thảo