Đắk Nông:

Chặt bỏ 1.700 cây độc trên quốc lộ

(Dân trí) - 3 năm sau khi liên Bộ Tài nguyên và Môi trường - NN&PTNT có thông tư xác định sò đo cam là loại cây nằm trong danh mục cây ngoại lai gây hại tại Việt Nam, tỉnh Đắk Nông mới xử lý dứt điểm gần 1.700 cây được trồng trên quốc lộ 14.

Thời gian qua, việc cây sò đo cam được trồng và phát triển xanh tốt trên tuyến đường này được dư luận rất quan tâm. Nhiều người dân sống ven đường rất bức xúc vì thông tin cây sò đo cam là loại cây ngoại lai độc hại nhưng lại được trồng hàng loạt ngay trước nhà. Thêm nữa, cơ quan chức năng rất lúng túng, chậm trễ trong việc xử lý, đốn bỏ.

 

1700 cây sò đo cam đang được chặt bỏ
1700 cây sò đo cam đang được chặt bỏ

 

Trao đổi với ông Khúc Văn Hợi, Phó Giám đốc Công ty TNHH cây xanh Công Minh (đơn vị được giao quản lý cây xanh), ông cho biết, hiện đơn vị đang tiến hành đốn bỏ, dọn dẹp toàn bộ sò đo cam trên hai dải phân cách của Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa. Sau đó sẽ tiến hành trồng sim rừng và lim xẹt thay thế.

Theo Phòng Quản lý đô thị thị xã Gia Nghĩa, việc trồng sò đo cam trên quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa được tiến hành từ năm 2010, sau khi tuyến đường này hoàn thành việc mở rộng và đưa vào sử dụng. Sò đo cam được chọn trồng làm cây cảnh quan tại đây vì đây là loại cây sinh trưởng nhanh, bóng mát nhiều, cho hoa nhiều, đẹp, rực rỡ và sẽ tạo nên điểm nhấn cho tuyến đường này. Tổng kinh phí cho việc trồng vào thời điểm đó là gần 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo lãnh đạo Công ty TNHH cây xanh Công Minh, sò đo cam không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Đắk Nông. Rễ cây sò đo cam chỉ ăn ngang chứ không cắm sâu xuống đất nên rất dễ gãy đổ trong mùa mưa, cành lá và hoa rất nhiều nên cũng rất dễ gãy, nhất là khi mưa to gió lớn. Khả năng chịu khô hạn của sò đo cam cũng thấp. Thêm nữa, loại cây này dễ bị sâu bệnh tấn công nên không phù hợp để làm cây xanh đô thị. Bên cạnh đó, do hạt của sò đo cam có cánh nên rất dễ phát tán trong tự nhiên. Hoa của loại cây này khá độc hại đối với môi trường xung quanh. Để ngăn chặn, đơn vị quản lý phải thường xuyên cho người cắt bỏ bớt hoa để ngăn cây đậu trái và hạn chế những ảnh hưởng của hoa đối với môi trường.

“Việc xử lý, đốn bỏ sò đo cam trên quốc lộ 14 kéo dài là do hai nguyên nhân, một là do phải xin ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị liên quan từ UBND thị xã, các Sở Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng như ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; hai là do thiếu kinh phí cho việc đốn bỏ cây cũ, thay thế bằng cây mới”, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thị xã Gia Nghĩa cho biết.

Đức Cường