1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh

(Dân trí) - Đôi chân 5 tuổi lang thang giữa phố, cái lưng gầy bé bỏng gùi khoai sắn trĩu nặng, những đứa bé mót mủ cao su hối hả chạy khi có người lạ đến… Đó là cảnh những đứa trẻ trên mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên ngày ngày mưu sinh nuôi con chữ.

Khác những nơi đô thị, trẻ em được cha đưa mẹ đón đi học, đi chơi, được ăn quà, mua đồ chơi... khắp nơi trên mảnh đất đại ngàn ở Gia Lai, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ chỉ học lớp 1, lớp 2, cùng lắm là lớp 7, phải vất vả mưu sinh đủ thứ nghề để nuôi con chữ.

 

Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 1


Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 2

Hai anh em H’la đầm mình bắt những con cá…

 

Vừa đi học về, hai anh em Rơ Châm H’la, người dân tộc Bahnar, ăn vội bữa cơm với canh lá mì. Như thường lệ, H’la lại khoác cái chài trên tay, cậu em trai tay xách giỏ, bắt đầu một ngày mưu sinh để nuôi con chữ khi kim giờ đã chỉ sang con số 12 giờ trưa.

 

Dưới cái nắng của núi rừng cao nguyên, H’la và em trai lang thang khắp các con suối, đầm mình trong dòng nước đục ngầu để bắt những con cá chỉ bằng ngón tay về làm bữa ăn cho gia đình. H’la cho biết, em đang học lớp 5, còn em trai học lớp 3, trường tiểu học Đăk Pơ Phò, thuộc huyện Kông Chro, Gia Lai. Hai anh em bắt đầu nghề này từ khi H’la còn học lớp 3. Mỗi ngày hai anh em chỉ bắt được vài lạng cá mang về làm bữa ăn cho gia đình: “Cái chài này bố em bán mì được hơn 300 nghìn để mua cho em kiếm cá về ăn, cũng có lần được hơn nửa giỏ cá, mẹ lại mang ra chợ bán để mua bút cho hai anh em”, H’la nói.

 

Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 3
… ngày nào may mắn thì được nửa giỏ

  

Trên đường từ TP Pleiku đi huyện Iagrai, chúng tôi bắt gặp rất nhiều đứa trẻ tay xách can, lang thang khắp nơi đi mót mủ cao su để mưu sinh. Khi thấy chúng tôi dừng xe tiếp cận, như đã thành phản xạ, các em sợ hãi chạy tán loạn về nhiều phía… Phải mất một hồi lâu, chúng tôi mới nói chuyện được với cô bé tên là H’ríu. Em cho biết, nhóm của bọn em hơn 20 bạn, đều đang học lớp 4. Ngày nào cũng vậy, H’ríu và các bạn của mình giành một buổi để mưu sinh. Công việc này rất vất vả, nguy hiểm.

 

Các em phải lang thang hết vườn cao su này đến vườn cao su khác, mót những giọt mủ cao su bị rớt xuống đất đã vón cục hoặc vẹt những giọt còn sót lại trên bát… Cứ khoảng 5 ngày đi mót dồn lại các em cũng bán được chừng 15 nghìn. Số tiền này, H’ríu và các bạn đều đưa cho bố mẹ để mua sách vở, quần áo hoặc trang trải cuộc sống.

 

Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 4
Những đứa bé mót mủ cao su sợ hãi chạy tán loạn khi có người lạ đến

 

Hỏi tại sao các em lại sợ hãi bỏ chạy khi gặp người lạ? H’ríu trả lời bằng chất giọng J’rai lơ lớ: “Bọn em rất sợ bảo vệ, họ không cho chúng em mủ đâu”.

 

Với cậu bé Ksor An, 13 tuổi, học lớp 7 trường THCS xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, một ngày với em cũng được chia làm hai. Một buổi đến trường và một buổi đi chăn hơn 50 con bò. Với An công việc này em đã biết khi còn nằm trên lưng mẹ. Lên lớp 2 em được bố giao cho 5 con bò để đi chăn sau mỗi buổi đi học về, và bây giờ là đàn bò lớn hơn.

 

Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 5
Cậu bé Ksor An với  đàn bò hơn 50 con

 

An tâm sự: “Em đi học cái chữ để biết viết cái tên, để biết những con số…”. Mỗi buổi rong ruổi gần chục cây số với đàn bò, kết thúc một ngày của em là bữa cơm chiều và giấc ngủ ngon lành. Học bài cũ với An vào buổi tối cũng là điều rất xa xỉ, bởi đó là thời gian sau một ngày mưu sinh đã mệt nhọc, một giấc ngủ để lấy lại sức cho sáng mai đến trường là phần thưởng duy nhất mà em có được.

 

Khắp nơi trên mảnh đất đại ngàn, chúng tôi đều bắt gặp những em học sinh gầy gò, nhem nhuốc, dù đang phải tập đọc những dòng chữ ê a nhưng các em đã phải mưu sinh vất vả với đủ nghề. Và hình ảnh quen thuộc nhất là những cô bé dáng người nhỏ xíu, lưng còng lầm lũi bước đi với cái gùi đầy khoai, sắn lúa trên vai…

 

Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 6
 
Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 7
Những bé gái với thân hình mỏng manh oằn mình với cái gùi trên lưng

 

Chạnh lòng nhìn những dáng nhỏ lay lắt mưu sinh - 8
Bước chân nhỏ lang thang khắp chợ để bán hàng mà chúng tôi bắt gặp giữa TP Pleiku.

 

Thiên Thư