1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chánh án TAND Tối cao lý giải việc thương lượng bồi thường không thành với ông Nén

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội chiều 11/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc thương lượng bồi thường cho quãng thời gian ngồi tù oan 17 năm của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) không thành vì những người khác “lợi dụng tình trạng sức khỏe của ông Nén để đòi bồi thường thêm 5 tỷ đồng”.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 11/11 (Ảnh: T.K)
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 11/11 (Ảnh: T.K)

“Trong vụ việc này, ngay từ đầu tôi đã có chỉ đạo, yêu cầu làm khẩn trương và vận dụng tối đa những quy định pháp luật có lợi cho ông Huỳnh Văn Nén. Trong quá trình thương lượng, tôi cũng đã quan tâm rất nhiều tới đề nghị của ông Nén và tôi cũng thấy TAND tỉnh Bình Thuận có thiện chí khi thương lượng. Đấy là thực tế. Tuy nhiên rất tiếc đến bây giờ quá trình thương lượng chưa thành”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định với PV Dân trí.

Nói về nguyên nhân thương lượng chưa thành, ông Bình khẳng định có những lý do không phải do tòa án, cũng như không phải do ông Nén.

“Nó có những lý do khác. Có một số người khác cũng muốn tranh thủ câu chuyện này để có một chút hưởng lợi gì đó, mà điều này luật không cho phép. Tôi nói ví dụ như khi ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận thống nhất mức bồi thường trên 8 tỷ đồng, tôi nói số tròn, thì về mặt tương quan là có thể chấp nhận được. Và việc thực thi pháp luật đã được chiếu cố rất nhiều đến hoàn cảnh của ông Nén và gia đình ông Nén. Tuy nhiên sau đó lại có những người khác yêu cầu thêm 5 tỷ đồng”- ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao khẳng định những người đòi bồi thường thêm 5 tỷ đồng không phải đối tượng được bồi thường theo luật nhưng lợi dụng tình cảnh sức khỏe của ông Nén nên cũng đưa ra tài liệu đòi bồi thường.

“Chính vì thế đã phá vỡ kết quả thương lượng bồi thường. Đấy là điều lý giải tại sao cuộc bồi thường không thành. Trong điều kiện như vậy, TAND tỉnh Bình Thuận không còn cách nào khác là chấm dứt bồi thường và đề nghị ông Nén kiện ra tòa để cho tòa án xét xử. Khi đó chỉ căn cứ vào luật chứ không còn cách nào khác cả”- ông Bình khẳng định.

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại mức bồi thường oan sai của ông Huỳnh Văn Nén.

“Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bồi thường xong rồi, nhưng còn vụ ông Nén thì lúc đầu thỏa thuận bồi thường hơn 10 tỷ đồng, nhưng sau đó lại rút xuống còn 2,6 tỷ đồng. Ông Nén đi tù hơn 17 năm thì bây giờ làm sao có đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại ?. Dự thảo luật này nói khá nhiều đến việc xác minh thiệt hại do thực tế phát sinh, thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm, thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tinh thần,... Thiệt hại liệt kê khá đầy đủ, nhưng cách tính như thế nào mới là vấn đề. Ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bồi thường 7,2 tỷ đồng nhưng tại sao ông Nén ngồi tù 17 năm lại chỉ bồi thường 2,6 tỷ đồng?”- bà Nga đặt vấn đề.

Bà Nga phân tích: “Đi tù lâu thế không còn hóa đơn thì cách xác định chi phí hợp lý như thế nào để một người bị oan phía Nam cũng phải được bồi thường giống như ở một người ở vùng núi phía Bắc. Các vụ án nổi cộm lớn thế này chỉ có một số vụ thôi nên Chánh án và Viện trưởng cần xem xét chỉ đạo giải quyết, tránh kéo dài quá lâu thời gian giải quyết bồi thường”.

Thế Kha