Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Họp các ngành không phải để bàn tội danh, mức án

Anh Thư

(Dân trí) - Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc "cơ quan điều tra, VKS, Tòa án họp với nhau" là để bàn giao hồ sơ, thống nhất lộ trình xét xử chứ không phải họp bàn về mức án, quyết "ông này bao nhiêu năm".

Khẳng định này được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu ra khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 20/3.

Chất lượng và tính khách quan, độc lập trong xét xử là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành tòa án.

Không có chuyện bàn "ông này, ông kia bao nhiêu năm"

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đặt hàng loạt chất vấn: "Hiện nay có còn hiện tượng 3 ngành: cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án họp với nhau nữa hay không? Tại sao phải họp và thống nhất với nhau? Việc họp như vậy có đảm bảo tính độc lập xét xử của Tòa án, của thẩm phán không? Việc họp 3 ngành như vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo trong các quan hệ tố tụng không?".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Họp các ngành không phải để bàn tội danh, mức án - 1

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) chất vấn Chánh án TAND Tối cao về tính độc lập của tòa án khi vẫn còn hiện tượng "các cơ quan họp bàn với nhau" (Ảnh: Phạm Thắng).

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh với những vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp. Song ông khẳng định việc này không ảnh hưởng đến tính độc lập của tòa án. "Các cơ quan họp để bàn giao tài liệu, thống nhất với nhau về lộ trình đưa vụ án ra xét xử, chứ không phải họp để bàn với nhau về tội danh, mức án, mức phạt hay gì cả", theo lời ông Bình.

Chánh án TAND Tối cao khẳng định tất cả vụ án lớn đều phải có sự phối hợp với nhau, từ công an đến viện kiểm sát, tòa án phải họp bàn với nhau. Việc phối hợp này là cần thiết để bàn giao hồ sơ, tổ chức phiên tòa cho đúng quy định pháp luật.

"Không có việc các cơ quan ngồi họp bàn ông này bao nhiêu năm, ông kia bao nhiêu năm hay thu của ông này cái gì, thu của ông kia cái gì", ông Bình tái khẳng định và nhấn mạnh không ảnh hướng tới độc lập tư pháp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về phòng ngừa tiêu cực trong đội ngũ cán bộ tòa án, Chánh án TAND Tối cao cho biết từ 2021 đến nay có hơn 100 vụ cán bộ tòa án bị xử lý, cả xử lý hình sự. "Tinh thần là xử nghiêm, không bao che", ông khẳng định.

Giải pháp được người đứng đầu ngành tòa án đưa ra là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giáo dục đạo đức công vụ cho các thẩm phán; ban hành bộ quy tắc ứng xử của thẩm phán.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Họp các ngành không phải để bàn tội danh, mức án - 2

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định tính độc lập tư pháp không bị ảnh hưởng khi các cơ quan liên quan ngồi họp bàn với nhau (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Bình cũng khẳng định những vi phạm ngành tòa án phát hiện được đều chủ động chuyển cho cơ quan thanh tra, điều tra để xử lý chứ không bao che. Hơn nữa, Chánh án cho biết đã ban hành quy định về xử lý vi phạm của thẩm phán.

"Quy định này rất nghiêm, cao hơn cả yêu cầu Quốc hội đặt ra. Ví dụ Quốc hội cho phép tỷ lệ án hủy, sửa là 1,5% nhưng ngành tòa án chỉ cho phép tỷ lệ này là 1,15%", ông Bình nói.

Nhiều vụ án "chưa nghĩ ra cách để thi hành bản án đã tuyên"

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng, Chánh án TAND Tối cao cho biết trên thế giới cũng như nước ta không bao giờ thu hồi được tài sản tham nhũng triệt để.

"Vừa qua tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 40% số tài sản thất thoát do tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận của các cơ quan thi hành tố tụng", ông Bình cho hay.

Để thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao hơn, ông Bình cho rằng cần thêm cơ chế. Bởi theo luật hiện hành, chúng ta quy định chỉ thu hồi số tài sản tham nhũng nếu cơ quan tố tụng chứng minh tài sản đó có nguồn gốc từ tham nhũng. Nếu không chứng minh được thì rất khó. Vì thế, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan phải nâng cao chất lượng, kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng.

Nói thêm thực tế trên thế giới, ông Bình cho biết tham nhũng là tội đặc thù nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh của các cơ quan tố tụng, nhiều nước quy định thêm cơ chế tăng nghĩa vụ giải trình của các bị can tham nhũng. "Nếu các bị can này không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì số tài sản đó sẽ bị tịch thu", theo ông Bình.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Họp các ngành không phải để bàn tội danh, mức án - 3

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) cũng hỏi về thực tế thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. "Một số vụ việc kê biên, thu hồi tài sản chậm do vướng mắc trong xử lý tài sản chung và riêng. Hướng xử lý vấn đề này thế nào?", đại biểu chất vấn.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thực tế trong vụ án có ngôi nhà hình thành trong hôn nhân, có công của vợ chồng, con cái nên không thể thu hồi và buộc phải tuân thủ điều này.

Muốn thực hiện tốt, ông cho rằng phải có được cơ chế như nhiều nước áp dụng, điển hình là cơ chế phi hình sự, tăng trách nhiệm giải trình của người liên quan. "Nếu có vài cái nhà mà quan chức không giải trình được tài sản hình thành thế nào, tính hợp lý không được công nhận thì tài sản đó sẽ tịch thu", ông Bình nhìn nhận đây là giải pháp căn cơ.

Giải đáp về những vướng mắc liên quan bản án khó thi hành mà đại biểu Khoa đặt ra, Chánh án TAND Tối cao chỉ ra nguyên nhân do tuyên án không rõ và có cả việc tuyên án đã rõ nhưng không thi hành được.

Dẫn chứng vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Chánh án tòa Tối cao cho biết bị cáo Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Tòa tuyên án buộc bà Phấn bồi thường số tiền này, song bị cáo đã chết. Như vậy là bản án tuyên đúng pháp luật nhưng không thể thi hành.

Một dẫn chứng khác là vụ án xảy ra tại OceanBank liên quan đến ông Đinh La Thăng. Ông Bình cho biết các cơ quan xác định vụ án này thất thoát 800 tỷ đồng, tòa tuyên về trách nhiệm dân sự, các bị cáo trong vụ án phải chia nhau bồi thường, trong đó ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ đồng.

"Nhưng ông Thăng đã đi tù, đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Còn cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra", ông Bình nói.