Chàng kỹ sư biến rác thải thành mái nhà, giúp hàng triệu dân nghèo

Thảo Lê

(Dân trí) - Rác thải tưởng chừng như bỏ đi được tái chế thành những tấm lợp mái nhà, giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân ở các khu ổ chuột.

Nhiều ngôi làng ở Ấn Độ đang dần thay da đổi thịt nhờ những mái nhà màu xanh lam khác lạ được làm từ rác thải tái chế. Sản phẩm có tên ModRoof, được phát triển bởi công ty khởi nghiệp ReMaterials có trụ sở tại Ahmedabad, Ấn Độ.

Theo số liệu chính thức, ít nhất 65 triệu người đang sinh sống trong các khu ổ chuột trên khắp Ấn Độ.

Hầu hết ở trong những ngôi nhà tạm bợ hoặc lán xây từ gạch, bùn, nhựa và thiếc, mái lợp bằng xi măng hoặc tôn kim loại và thường được che bằng bạt.

Tuy nhiên, những vật liệu này lại không đảm bảo chất lượng, dễ bị ăn mòn, thấm nước, cách nhiệt, cách âm kém và thậm chí là độc hại. Chúng dễ bị thổi bay bởi giông bão, gió mạnh và cũng rất tốn kém khi bảo trì.

Chứng kiến những bất cập như vậy, Hasit Ganatra, kỹ sư và nhà đồng sáng lập ReMaterials, đã nảy ra ý tưởng về ModRoof, một giải pháp hiệu quả, thân thiện với môi trường, giúp cải thiện cuộc sống ở các khu ổ chuột.

Ganatra từng theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Nam California, cũng như làm việc với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và nhà ở giá rẻ. Trở về quê hương, anh cùng các cộng sự đã thử nghiệm hơn 15 vật liệu khác nhau trước khi thành công tìm ra vật liệu phù hợp như hiện tại.

Chàng kỹ sư biến rác thải thành mái nhà, giúp hàng triệu dân nghèo - 1
ModRoof được làm từ hỗn hợp gồm bìa cứng, bao bì, xơ dừa và rác thải nông nghiệp tái chế có nguồn gốc ở địa phương. Quy trình sản xuất cũng rất đơn giản, bao gồm công đoạn nghiền, trộn, nén, sấy khô và chống thấm.
Chàng kỹ sư biến rác thải thành mái nhà, giúp hàng triệu dân nghèo - 2
ModRoof có thể chống thấm nước, chống cháy, không gây tiếng ồn khi trời mưa, lắp đặt nhanh chóng và dễ dàng thay thế. Các tấm lợp có khả năng chống chịu tốt với độ bền lên tới 20 năm nếu được bảo trì tối thiểu, lâu hơn nhiều so với các vật liệu khác. Tuy làm từ rác thải nhưng ModRoof cũng đảm bảo tính thẩm mỹ khá cao.

Những tấm lợp mái nhà này còn có khả năng cách nhiệt. Cụ thể, với cùng một điều kiện thời tiết, nhiệt độ bên trong một ngôi nhà có mái bằng kim loại có thể lên đến 42 độ C, trong khi ngôi nhà tương tự được trang bị ModRoof thì nhiệt độ là 36 độ C.

Chàng kỹ sư biến rác thải thành mái nhà, giúp hàng triệu dân nghèo - 3
ReMaterials đã tiến hành lắp đặt ModRoof cho khoảng 60 mái nhà ở Ahmedabad. Nhờ đó, người ở có thể đặt thêm các bể chứa nước, sử dụng mái nhà để sấy ớt và củi, thậm chí ngủ trên đó vào mùa hè. Ông Ganatra cho biết những hoạt động này thường không thể thực hiện được trên các mái nhà bằng tôn hoặc kim loại thông thường.
Chàng kỹ sư biến rác thải thành mái nhà, giúp hàng triệu dân nghèo - 4
Không chỉ được sử dụng cho nhà ở, ModRoof cũng được áp dụng với trường học, bệnh viện và các công trình kiến trúc khác. Chi phí cũng rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/10 so với mái nhà đổ bê tông. Những người dân nghèo cũng có thể lắp đặt nhờ việc thanh toán trả góp thông qua các công ty tài chính vi mô.
Chàng kỹ sư biến rác thải thành mái nhà, giúp hàng triệu dân nghèo - 5
Công ty cho biết, họ còn một phiên bản đặc biệt được tích hợp các tế bào quang điện, giúp chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng, đủ để thắp sáng đèn LED và sạc điện thoại. Sử dụng năng lượng mặt trời với ModRoof sẽ là một bước tiến lớn, vì việc cung cấp điện có thể giúp người dân thoát nghèo.
Chàng kỹ sư biến rác thải thành mái nhà, giúp hàng triệu dân nghèo - 6
ReMaterials đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra khắp Ấn Độ và trên toàn thế giới. Mod Roof được kỳ vọng sẽ giúp những gia đình nghèo khó đang sống chen chúc trong các khu ổ chuột có được một môi trường sống tốt hơn, an toàn hơn.