Hải Phòng:
Chậm rà soát "đất vàng" của DNNN: Giám đốc Sở Tài nguyên nói gì?
(Dân trí) - Được giao rà soát thực trạng sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trên địa bàn để thành phố làm căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng đến hạn, Giám đốc ở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Hải Phòng không có báo cáo, xin gia hạn nhưng sau đó vẫn không hoàn thành nhiệm vụ...
Tháng 12/2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Thanh Sơn chỉ đạo Sở TN-MT thực hiện rà soát tình trạng sử dụng đất của các doanh nghiệp trực thuộc UBND khi chuyển sang cổ phần hóa (CPH) để báo cáo Thủ tướng. Theo hạn định Sở TN-MT phải báo cáo UBND TP trước 1/2/2017.
Tuy nhiên, đến 10/2, Giám đốc Sở TN-MT Phạm Quốc Ka mới ký báo cáo gửi UBND TP.
Chậm trễ so với thời hạn cả chục ngày như vậy, báo cáo của ông Ka còn bị UBND thành phố đánh giá là thiếu chính xác khi thống kê không cụ thể, không đầy đủ thực trạng sử dụng đất của các doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa.
Cụ thể, báo cáo này chỉ mới rà soát được số liệu sử dụng đất của 34 doanh nghiệp, trong khi đó ở Hải Phòng có tới 118 doanh nghiệp thực hiện CPH (113 doanh nghiệp đã CPH, 5 doanh nghiệp đang CPH).
Mặt khác, không những chỉ rà soát được 1/3 số DN theo yêu cầu, Sở TN-MT còn không xác định được những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong số doanh nghiệp đã rà soát có còn vốn nhà nước hay không, trong khi theo quy định của Bộ TN-MT, việc rà soát phải xác định được tiêu chí này. Thậm chí báo cáo của Sở cũng không xác định rõ tình trạng sử dụng đất hiện tại có đúng tiêu chí như phương án CPH đã được phê duyệt hay không.
Trong văn bản giải trình việc báo cáo chậm trễ, không chính xác, ông Ka cho rằng, công tác quản lý sử dụng đất khó khăn do thực tế nhiều doanh nghiệp đang sử dụng đất nhưng chưa đăng ký, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, nhiều nơi còn chưa có bản đồ địa chính. Ông Ka đề nghị được kéo dài thời gian rà soát đến 30/2.
Được chấp thuận "gia hạn" nhưng đến hết 30/2, việc rà soát với 84 doanh nghiệp còn lại của Sở TN&MT vẫn... dậm chân tại chỗ. Ngày 3/3, TP Hải Phòng buộc phải có văn bản hỏa tốc yêu cầu các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính vào cuộc “hỗ trợ” Sở TN&MT thực hiện cho xong chỉ đạo để thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo một chuyên viên về lĩnh vực đất đai của thành phố, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đều đã được cổ phần hóa từ nhiều năm trước và khi thực hiện cổ phần hóa đều có phương án sử dụng đất gắn liền với hồ sơ địa chính, thửa đất vốn đã được Nhà nước giao đất trước khi cổ phần hóa. Chuyên gia này cho rằng, những lý do Giám đốc Sở TN-MT nêu ra khó thuyết phục.
Dư luận đặt vấn đề, trên thực tế nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa đều đang sở hữu những khu đất “vàng” tại các tuyến phố trung tâm thành phố. Sau khi cổ phần hóa, nhiều đơn vị đã cho thuê lại những khu đất này. Câu hỏi về động cơ của việc "lỏng tay" quản lý đối với phần tài sản này của nhà nước cũng được đặt ra.
Trao đổi với phóng viên Dân trí mới đây, ông Phạm Quốc Ka thừa nhận, có việc báo cáo UBND thành phố muộn và chưa chính xác. Tuy nhiên ông Ka cũng phân trần, phương án CPH các doanh nghiệp thuộc quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn việc quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã CPH thuộc quản lý của Sở Tài chính, Sở TN-MT chỉ quản lý đất nói chung.
“Thế nên cần xác định những vấn đề đó, Sở phải có thời gian chứ có mấy ngày thì làm sao hoàn thành được…”, ông Ka nói.
Ông Ka cũng cho biết thêm, ngày 15/3 vừa qua, Sở cũng đã có báo cáo gửi UBND thành phố.
Phóng viên Dân Trí cũng đã liên lạc với ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, để đề nghị được cung cấp thông tin cũng như báo cáo mới nhất của Sở TN - MT về vấn đề trên nhưng đến nay cũng chưa có hồi âm.
An Nhiên