Gia Lai
Chăm đẻ… nghề lương “khủng”
(Dân trí) - Với mức thù lao được trả từ 7 triệu đồng/ tháng, nghề chăm đẻ ở Gia Lai đang được nhiều người ví như nghề “hốt bạc” trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Tìm người trước cả nửa năm
Khác với người miền Bắc, người dân miền Trung và Tây Nguyên có cách chăm sóc bà đẻ rất cầu kì và kĩ càng. Chính vì vậy, người phụ nữ sinh con đầu lòng mà không có mẹ bên cạnh đều rất cần một người chăm đẻ có kinh nghiệm, vừa để làm các công việc trong nhà, vừa giúp sản phụ “thay da, đổi thịt” theo nghĩa “gái một con trông mòn con mắt”. Tuy vậy, để tìm được một người chăm đẻ đối với mỗi sản phụ không phải chuyện dễ dàng.
Có bầu được hơn 4 tháng, nhưng mấy tuần nay chị Nguyễn Thị Hà, nhà trên đường Trần Nhật Duật (TP.Pleiku, Gia Lai) phải gọi điện khắp nơi nhờ người quen tìm giúp cho mình một người nuôi đẻ có kinh nghiệm. Nhưng đến bây giờ chị Hà vẫn chưa tìm được người. Chị rất lo lắng: “Tôi nghe mọi người nói sinh đẻ rất nguy hiểm, phải kiêng cữ cẩn thận trong 3 tháng 10 ngày, trong khi mẹ tôi bệnh nên không thể chăm sóc tôi lúc sinh nở được”.
May mắn hơn chị Hà, chị Minh ở xóm trọ trên đường Nguyễn Thái Bình chia sẻ, do gia đình mẹ đẻ và mẹ chồng ở xa nên sau khi có bầu chị quyết định thuê người chăm sóc tháng đầu tiên sau khi sinh. Chị nhờ người quen tìm giúp và may mắn tìm được người với mức lương 7 triệu/tháng. Tuy nhiên, vì tháng 3/2013 chị Minh mới sinh nên người chăm đẻ yêu cầu chị phải đưa trước 1 triệu tiền cọc.
Lương chăm đẻ cao gấp 3 lương bác sĩ mới ra trường
Với mỗi tháng làm thuê, người chăm đẻ sẽ được gia chủ trả tiền thù lao 7 triệu đồng, bao ăn ở. Không chỉ vậy, nếu làm tốt nhiều người còn được gia đình sản phụ thưởng thêm tiền và tặng thêm quà. Và với mức thù lao trên, lương của người chăm đẻ “ăn đứt” 3 tháng lương của các tân bác sĩ. Trong khi đó, nghề chăm đẻ không cần phải học tập hay qua đào tạo từ trường lớp nào, mà đơn giản chỉ là những kinh nghiệm thực tế.
Tuy vậy, không phải ai cũng làm được nghề này, bởi nó yêu cầu người làm phải có tính chăm chỉ, chịu khó và nhẫn nại. Vì người chăm đẻ không chỉ phải giặt đồ, nấu ăn cho sản phụ, mà quan trọng nhất là việc chăm sóc sắc đẹp cho sản phụ bằng các biện pháp xông hơ cho bà đẻ và giữ em bé lúc bé quấy khóc.
Có thâm niên đi chăm đẻ gần 20 năm nay, cô Trần Thị Kỷ (64 tuổi, quê Phù Cát, Bình Định) cho biết, nghề chăm đẻ cô có được là nhờ trước đây sau khi cô vượt cạn được mẹ mình chăm, nên cô lấy kinh nghiệm của mẹ để hành nghề: “Phụ nữ sinh xong mà không kiêng cử thì sau này bệnh tật, xuống sức nhanh lắm. Còn nếu không xông hơ cẩn thận thì da dẻ sẽ không hồng hào, nhanh già và xuống sắc”.
Không dấu bí quyết của mình, cô Kỷ chia sẻ: “Để da mặt được lột và hồng hào thì tôi lấy gừng, muối dã nhỏ ngâm với nước tiểu em bé, rồi xoa lên mặt sản phụ và đốt than cho sản phụ hơ mặt. Làm như vậy suốt 1 tháng thì da mặt sẽ lột và sau này sẽ không bị nám. Không chỉ xông hơ mặt, mà tôi còn phải đốt than để sản phụ úp bụng, hơ cửa mình… để giúp cơ thể họ thon gọn hơn, máu huyết lưu thông…”.
Tuy nhiên theo cô Kỷ thì những việc trên quá đơn giản, mà mệt nhọc nhất đối với những người chăm đẻ là việc giữ em bé. Nếu ai may mắn thì gặp được những sơ sinh ngoan ngoãn, ít quấy khóc thì đêm còn được nghỉ ngơi, còn không thì gặp những em bé quấy khóc thì cả đêm phải thức để dỗ dành bé cho mẹ ngủ.
Chính vì sản phụ cần được chăm sóc cầu kỳ và cẩn thận để tránh các bệnh tật sau này và có một sắc đẹp của “gái một con”, nên nghề chăm đẻ ở Gia Lai đã và đang rất có “giá” và được nhiều người tìm đến để thuê.
Thiên Thư