1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sau cái chết của bốn trẻ sơ sinh:

Cha mẹ hoang mang, ngành y tế lúng túng!

Sự kiện bốn trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm văcxin ngừa viêm gan B trong vòng 20 ngày qua đang làm các bậc cha mẹ hoang mang. Tiêm cũng lo mà không tiêm cũng... lo, bởi đây là sự cố lớn nhất trong lịch sử 22 năm của Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thế nhưng, nhiều cơ sở y tế sau một tuần mới nhận được lệnh tạm ngưng sử dụng lô văcxin gây tai biến!

 

Một tuần mới nhận được thông báo khẩn

 

Là y tá tại một trạm y tế phường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Phương cho biết mấy tháng nay trạm chị sử dụng lô văcxin ngừa viêm gan B số 05028 của LG (Hàn Quốc), cùng lô văcxin liên quan đến ca tử vong của 2 trẻ sơ sinh tại Hà Tĩnh. “Chúng tôi nhận được thông báo ngừng sử dụng lô văcxin này hôm 4/5” - chị Phương cho hay.

 

Như vậy, hơn một tuần sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư gửi văn bản khẩn cấp tạm ngừng sử dụng lô văcxin ngừa viêm gan B 05028, thông báo mới đến trạm y tế phường ngay nội thành Hà Nội, cách viện không đầy 10km!

 

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Sơn La Phan Thị Long cũng cho hay Sơn La mới nhận được văn bản khẩn cấp ngừng sử dụng văcxin ngừa viêm gan B số 06006 hôm 11/5, ba ngày sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư ký gửi (văn bản này khác với văn bản trước đó).

 

Hôm qua 13/5, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Sơn La Phan Thị Long cho hay bé gái sơ sinh tử vong hôm 11/5 tại Sơn La đã được tiêm văcxin viêm gan B do Việt Nam sản xuất lúc 9h sáng, đến 13h chiều em bé có dấu hiệu sốt, co giật, suy hô hấp... Tuy nhiên qua kiểm tra, thăm khám xác minh, bà Long cho rằng bé tử vong do viêm phổi sơ sinh, không liên quan đến việc tiêm ngừa viêm gan B.

Để phổ biến cho các tuyến quận huyện và xã phường, bà Long nói: “Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sẽ tiếp tục thảo công văn, gửi tuyến cơ sở bằng đường thư”. Có lẽ với thủ tục “hành là chính” như thế này, ngày 4/5, ở Thanh Hóa có thêm một bé sơ sinh bị tai biến suýt tử vong. Văcxin liên quan thuộc lô viêm gan B 05028 đã bị tạm ngừng sử dụng hơn một tuần trước đó!

 

Được coi là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử 22 năm của Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng sự lúng túng thể hiện rõ khi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cơ quan thuần túy chuyên môn - trở thành đầu mối, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò cơ quan phụ giúp. Theo các chuyên gia, lý do dẫn đến sự lúng túng này là đang có quá nhiều “cơ quan chức năng” liên quan đến văcxin và tiêm chủng.

 

Từ giữa tháng 4/2007, Cục Quản lý dược được giao quản lý chất lượng và xét duyệt đăng ký lưu hành văcxin. Cục Y tế dự phòng Việt Nam chịu trách nhiệm chất lượng tiêm chủng. Cơ quan chuyên môn trực tiếp thực hiện là Chương trình tiêm chủng mở rộng có cơ quan... chuyên môn cấp trên là Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Điều này, theo các chuyên gia nói trên, là giống con bò bị chia làm nhiều khúc, một cơ quan chuyên quản lý da, lông và sừng, một chuyên quản lý thịt bò...

 

Cũng bởi sự lúng túng này, ngày 4/5, hơn 10 ngày sau khi hai bé sơ sinh tử vong tại Hà Tĩnh, văcxin bị tạm ngừng sử dụng nhưng tiếp tục liên quan đến ca tai biến sau tiêm cho một bé sơ sinh tại Thanh Hóa, một lãnh đạo Cục Quản lý dược vẫn đề nghị báo chí “cung cấp thêm thông tin, chúng tôi cần xác minh thêm mới có thể có quyết định”.

 

Phải chăng đang vất vả quản lý 14.000 mặt hàng dược phẩm, đang lúng túng về vấn đề giá thuốc, nên việc giao thêm quản lý văcxin về Cục Quản lý dược đúng thời điểm này đã chất thêm gánh nặng làm quá sức của họ!

 

Trách nhiệm không rõ ràng 

 

Hiện trên thị trường có năm loại văcxin ngừa viêm gan siêu vi B. Ngoài hàng nội do Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 sản xuất chủ yếu cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (cùng văcxin của LG - Hàn Quốc đã bị tạm dừng), còn có hàng của Mỹ, Bỉ và Cuba. Riêng Hà Nội mỗi tháng cần 20.000 liều văcxin viêm gan B. Ngay sau sự cố nói trên, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã ưu tiên phân bổ thêm văcxin viêm gan B nội địa cho Hà Nội, song trước mắt chỉ đủ sử dụng cho các bé đã tiêm mũi 1. Tạm dừng tiêm cho các bé sơ sinh, trừ trường hợp gia đình có điều kiện sử dụng văcxin dịch vụ.

 

Ngày 11/5, sau khi có tin một bé gái sơ sinh ở Sơn La tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B do Việt Nam sản xuất, một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiết lộ trung tâm này từng được cấp những lọ văcxin do Việt Nam sản xuất không có tí văcxin nào! Ông này phán đoán đây là do lỗi ở khâu giám sát hoặc đóng hộp. Chưa kể do bảo quản văcxin, liều lượng tiêm ngừa..., hiện có nhiều trẻ em phải tiêm ngừa viêm gan siêu vi B lại do đợt tiêm trước không đạt hiệu quả miễn dịch.

 

Hôm nay 14/5, tiểu ban điều tra nguyên nhân các vụ tai biến do văcxin sẽ cùng lúc nhóm họp ở miền Bắc và miền Nam. Theo ông Lê Văn Phủng (giám đốc Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế), các tiểu ban sẽ làm việc khẩn trương để có thể thông báo nguyên nhân tai biến sớm trong một tháng tới.

 

Năm 2006 từng có một bé tử vong sau tiêm văcxin, các tiểu ban chuyên môn cũng đã làm việc, mẫu văcxin được gửi đi Nhật và Đức kiểm nghiệm, tổng thanh tra văcxin và sinh phẩm y tế... Nhưng cách giải quyết không rõ ràng về mặt trách nhiệm của Bộ Y tế khiến nhiều người dân bất bình.

 

22 năm thực hiện tiêm chủng mở rộng, đến nay vẫn chưa có qui trình an toàn tiêm chủng mang tính pháp qui, việc tiêm chủng liên quan hàng triệu trẻ em chỉ dừng ở hướng dẫn chuyên môn...

 

Vì vậy, rất khó trả lời câu hỏi làm sao để không lặp lại những sự cố này!

 

Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ