Cây sanh đại thụ 500 tuổi nằm giữa cánh đồng, dân làng dựng hàng rào bảo vệ
(Dân trí) - Cây sanh mọc giữa cánh đồng ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có niên đại hơn 500 năm tuổi, chứng kiến bao sự đổi thay của vùng đất này. Người dân địa phương xem cây như báu vật nên luôn giữ gìn, bảo vệ.
Gốc cây sanh mọc giữa cánh đồng Rậm, thôn Châu Thịnh (xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từ hàng trăm năm trước. Nhìn từ xa, cây sanh đứng sừng sững, hiên ngang, tỏa bóng mát trên khoảnh đất rộng lớn.
Cây có chiều cao hơn 15m, tán rộng gần 27m, chu vi gốc khoảng 5,8m. Gốc cây này, 4 người ôm không xuể.
Gốc sanh có nhiều ụ nổi, lớp vỏ sần sùi.
Người dân địa phương cho hay, cây sanh đã gắn bó cùng lịch sử hình thành và phát triển từ xa xưa của người dân xã Tùng Châu.
Tùng Châu là vùng đồng bằng thấp trũng, đất đai màu mỡ do phù sa bồi đắp. Vùng này thường bị khô hạn về mùa nắng do tác động của gió Lào, mùa mưa thường bị lũ lụt. Trong hình, rêu xanh và rễ nhỏ mọc khắp cành cây đại thụ.
Theo ông Trần Đình Quyền, Trưởng thôn Châu Thịnh, cây sanh đã che chắn cho dân làng trong những trận lụt lịch sử. Những năm tháng chiến tranh, nơi đây là địa điểm quân đội thường họp mặt, hứng chịu những trận bom mìn dội xuống. Trải qua điều kiện khắc nghiệt về thời tiết cũng như chiến tranh phá hại, gốc sanh vẫn xanh tốt.
Ngày nay, gốc cây đại thụ thành nơi người dân sinh hoạt, nghỉ ngơi những lúc đi chăn trâu bò, làm đồng.
Người dân địa phương xem cây sanh đại thụ như báu vật. Vì thế, họ đã cùng góp tiền để làm hàng rào thép gai bảo vệ và có cổng mở ra vào. Việc này nhằm ngăn trâu bò vào phá hại, phóng uế. Ngoài ra, người dân cũng nâng nền đất xung quanh gốc để giữ chắc bộ rễ, bảo tồn cây.
Theo lãnh đạo UBND xã Tùng Châu, cây sanh cổ thụ tại cánh đồng Rậm (thôn Châu Thịnh) ước tính đã có niên đại hơn 500 năm tuổi. Thời gian qua, chính quyền luôn phối hợp cùng người dân để chăm sóc, giữ gìn cây. Địa phương rất mong muốn sớm có một danh hiệu, chứng nhận cho cây sanh cổ thụ này vì đã trải qua hàng trăm năm lịch sử.