1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng

Doãn Công

(Dân trí) - Lãnh đạo Kiểm lâm tỉnh Bình Định khẳng định, để xảy ra khai thác rừng trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc vào chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, chính quyền huyện Vân Canh.

Trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng

Ngày 21/3, ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, cho biết các lực lượng chức năng của đơn vị đang kiểm tra, làm rõ vụ khai thác cây rừng trái phép tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh.

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 1

Hiện trường vụ cây rừng phòng hộ tại Vân Canh bị chặt phá (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Sáu, qua kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận 15 cây rừng bị khai thác trái pháp luật tại khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên, huyện Vân Canh.

Hiện trường gỗ rừng phòng hộ ở Bình Định bị chặt phá

Các cây gỗ bị đốn hạ có đường kính gốc 15 - 50cm, chủng loại gỗ Ké nhóm V và gỗ Sổ nhóm VII, thuộc loài thông thường. Thời gian khai thác khoảng đầu tháng 3 này, trừ 1 cây bị khai thác khoảng tháng 10/2022, dấu vết khai thác đã cũ.

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 2

Nhiều gốc cây có đường kính khoảng 80cm bị cưa hạ (Ảnh: Doãn Công).

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cũng cho biết trong 15 cây bị khai thác, các đối tượng đã lấy gỗ ra khỏi hiện trường 6 cây, đường kính 25 - 50cm, số còn lại cây nhỏ hoặc rỗng ruột. Tổ công tác chưa xác định được cụ thể khối lượng lâm sản đã bị khai thác trái pháp luật.

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 3

Một gốc cây bị cưa hạ (Ảnh: Doãn Công).

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 4

Phần ngọn cây có đường kính gần 50cm (Ảnh: Doãn Công).

"Để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, chính quyền huyện Vân Canh. Ban quản lý rừng cũng thiếu quản lý, không kịp thời xử lý", ông Lê Đức Sáu nói.

Ông Sáu cũng cho biết qua làm việc với già làng, ban đầu ghi nhận là người đồng bào ở làng Cam (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) vào rừng khai thác gỗ trái phép để làm hòm (quan tài), làm nhà ma, một số làm nhà ở.

Nhân viên giữ rừng xin nghỉ việc vì bị đe dọa?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Nghĩa, kiểm lâm phụ trách địa bàn tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Cam, thừa nhận việc cây rừng bị chặt phá và đã báo cáo cấp trên.

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 5

Một gốc cây có đường kính lớn, 2 người ôm không xuể (Ảnh: Doãn Công).

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 6

Gỗ bị "xẻ thịt" để vận chuyển khỏi hiện trường (Ảnh: Doãn Công).

Y Ka Lách, nhân viên bảo vệ rừng tại Trạm Làng Cam, nói: "Chúng tôi trực chốt ở đây thường xuyên nhưng không biết lâm tặc phá rừng, không biết chúng vận chuyển gỗ đi đường nào cả. Có thể các đối tượng khai thác gỗ rừng về để làm nhà, lợi dụng đêm khuya, mưa gió để vào rừng khai thác gỗ rừng trái phép".

Anh Đinh Nhân Tâm, nhân viên ở Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Cam chia sẻ thêm: "Hiện chế độ lương thì thấp, rừng giáp ranh rất phức tạp. Trong khi đó, lâm tặc thường xuyên đe dọa, thậm chí dọa giết, tấn công khiến tinh thần làm việc của anh em bất an. Tôi là người đồng bào, ở làng này mà họ còn dọa giết, thậm chí vợ con ở nhà cũng bị đe dọa. Nhiều lần tôi xin nghỉ việc nhưng lãnh đạo vận động cố gắng".

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 7

Một gốc cây mới bị cưa hạ (Ảnh: Doãn Công).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, nêu khó khăn: "Do địa bàn rừng ở giáp ranh 2 huyện, các đối tượng phá rừng chủ yếu từ huyện Tây Sơn nên rất khó để phát hiện, xử lý dứt điểm"

Ông Thanh cũng chia sẻ về việc nhiều đối tượng rất manh động, thường đe dọa tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Công việc đặc thù nguy hiểm, thế nhưng lương nhân viên hiện chưa đến 4 triệu đồng/tháng. Hiện có 20/23 nhân viên hợp đồng tại đây có tâm lý muốn nghỉ việc.

Cây rừng bị đốn hạ, Kiểm lâm Bình Định nói trách nhiệm do chủ rừng - 8

Một lán trại còn xoong nồi, chén bát nhưng lực lượng chức năng chưa xác định là của người dân đi rừng hay của lâm tặc (Ảnh: Doãn Công).

Trước thông tin phản ánh thực trạng "chảy máu" rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xác minh, báo cáo cụ thể vụ việc.

Ông Phan Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - thừa nhận tình trạng phá rừng tại địa bàn và cho biết lãnh đạo huyện đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm địa bàn điều tra vụ việc, để có hướng xử lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm