1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Cầu Sài Gòn “kêu cứu”

(Dân trí) - Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố bố trí nguồn vốn sửa chữa gấp cầu Sài Gòn vì cây cầu này đang xuống cấp ngày càng trầm trọng.

Cây cầu 50 tuổi “đầy thương tích”

Cầu Sài Gòn được xây dựng từ năm 1961, dài gần 1.000m gồm 32 nhịp. Khi mới xây dựng, bề mặt cầu chỉ rộng gần 20m nhưng là cây cầu lớn nhất Sài Gòn trước thời kỳ đổi mới. Sau gần 50 năm sử dụng, trải qua cuộc chiến tranh giải phóng, cầu Sài Gòn mang mang “đầy thương tích”.

Theo ông Trần Quang Phượng, cây cầu này là cửa ngõ chính để vào nội đô TP, kết nối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh Đông Bắc. Thời gian qua, lưu lượng xe qua cầu ngày càng cao.

Năm 1997, cây cầu được cải tạo, mở rộng mặt cầu thành 24m song vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu. Lưu lượng xe qua cầu luôn vượt quá năng lực của cầu khiến nó xuống cấp nhanh chóng. Chưa kể, do cầu dài, độ dốc cao và lưu lượng xe lớn nên tai nạn thường xuyên xảy ra trên cầu, tạo nên không ít thương tích cho cây cầu già cỗi này và tại đây cũng đã xảy ra không ít sự cố.

Gần đây nhất là sự cố đầu tháng 10/2009, mặt cầu bị thủng một lỗ lớn 20 x 20cm, bán kính 1m xung quanh lỗ thủng bị rạn nứt nghiêm trọng.

Trước đó, cây cầu này cũng liên tục xuất hiện các sự cố như sụp hố trên mặt đường dẫn, hỏng khe co giãn… Nếu tính cả năm 2009 thì có không dưới 10 sự cố xảy ra trên cầu.
Cầu Sài Gòn “kêu cứu” - 1
Cầu Sài Gòn đang oằn mình gồng gánh một lưu lượng phương tiện vận tải lớn mỗi ngày.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT, các khe co giãn trên 3 nhịp chính của cầu bị hư hỏng làm thấm nước từ mặt cầu xuống hệ dầm gây rỉ sét dầm và một số bu lông đinh tán. Do bê tông mặt cầu tại vị trí các dầm phụ cũng hư hỏng gần hết nên nước thấm vào, làm rỉ sét các đầu dầm dọc phụ, dầm ngang; một số đầu dầm dọc phụ xuất hiện vết nứt…

Tại 29 nhịp dẫn, một số dầm chủ xuất hiện vết nứt trên cánh dầm, một số ụ neo cũng xuất hiện vết nứt. Ngoài ra, các thanh dầm và bản táp bị rỉ sét, một số khe co giãn bị hư hỏng nặng, bản mặt cầu bê tông cốt thép xuất hiện nhiều vết nứt rộng…

Cần 44 tỷ đồng để đại tu cầu Sài Gòn

Dù đang xuống cấp trầm trọng, nhưng do nằm trên tuyến đường huyết mạch vào Sài Gòn nên cầu Sài Gòn vẫn chưa một ngày được nghỉ ngơi, lượng xe qua cầu ngày càng nhiều, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn.

Hơn 1 năm nay, khi Tân Cảng Sài Gòn di dời ra Cát Lái, lượng xe container qua cầu đã giảm bớt nhưng không đáng kể vì nhiều xe container đến hệ thống cảng ở quận 4, quận 7 và qua đường hàng lang phía Đông về miền Tây vẫn phải đi qua cầu.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày có trên 40.000 lượt xe container, xe tải lưu thông qua cầu.

Để đảm bảo an toàn, cầu Sài Gòn cấm xe trên 25 tấn qua cầu và các xe phải đi cách nhau 30m. Tuy nhiên, 1 xe container, chỉ riêng tải trọng đầu kéo, rơ-moóc và thùng container trống đã lên đến 20 tấn nên xe vượt quá 25 tấn qua cầu rất thường xuyên. Chưa kể, mỗi lúc ùn tắc, các xe tải trọng cao phải chạy san sát nhau, không tài nào giữ nổi khoảng cách 30m như quy định. Điều này càng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố trên cầu.

Để hạn chế sự cố, Sở GTVT thực hiện các biện pháp khẩn cấp theo khuyến cáo của Công ty Freyssinet Việt Nam (đơn vị sửa chữa cầu Sài Gòn năm 1997) như sửa chữa các đường hàn bị nứt ở kết cấu thép và các vị trí bị nứt bê tông nhựa mặt cầu…

Tuy nhiên, theo Sở GTVT, để bảo đảm an toàn giao thông cho cầu Sài Gòn, trong thời gian tới cần phải đại tu lại cầu. Quan trọng nhất là phải xử lý hết các vết nứt trên đầu dầm, bóc vỏ và thay mới hoàn toàn bề mặt bê tông, thay thế các khe co giãn… Tổng kinh phí mà Sở GTVT xin TP bố trí vốn cho lần đại tu này là gần 44 tỷ đồng.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm